Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân cả nước, đội ngũ doanh nhân Ninh Bình ngày càng tự tin, đứng vững trước mọi sự tác động của cơ chế thị trường và có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Theo trang web thông tin doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình hiện có khoảng 7.600 doanh nghiệp, trong đó từ đầu năm đến cuối tháng 9 năm 2018, có 643 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, đa dạng về ngành nghề.
Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo sức canh tranh cho sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trở thành tập đoàn kinh tế có tên tuổi trong nước và khu vực.
Trong những năm qua, cộng đồng các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Ninh Bình đã nỗ lực, cố gắng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, trực tiếp đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước đồng thời còn góp phần làm công tác từ thiện, an sinh xã hội.
Có thể thấy một số kết quả kinh tế xã hội nổi bật qua 9 tháng năm 2018 có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là: tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 8.196,0 tỷ đồng, bằng 102,9% dự toán HĐND tỉnh, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh nghiệp nộp gần 80% .
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường trong tỉnh 9 tháng đạt trên 18.424,7 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, bằng 70,3% kế hoạch năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2018 đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ và đạt 88,8% kế hoạch năm….
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Ngoài ra, các doanh nhân còn tham gia kết nghĩa với các xã đặc thù theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ủng hộ các quỹ từ thiện, an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh càng ngày có nhiều doanh nghiệp phát triển, có uy tín, làm ăn có hiệu quả, nộp thuế lớn, đầy đủ và có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Tuy vậy, doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình chủ yếu là loại hình doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, nên khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất, nhất là vốn, công nghệ và thị trường còn hạn chế. Sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không cao do công nghệ lạc hậu, tỷ lệ tự động hóa thấp.
Là một tỉnh có thế mạnh về du lịch, nhưng doanh nghiệp Ninh Bình vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch mang hàm lượng chất xám cao. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động.
Trong thời gian tới, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới và diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa đem lại thời cơ lớn song cũng đem lại thách thức không nhỏ cho tất cả mọi người nói chung và đội ngũ doanh nhân Ninh Bình nói riêng.
Trong bối cảnh đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Bình luôn mong muốn và kỳ vọng đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh và trưởng thành hơn nữa, trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Để đạt được điều đó, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải luôn chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp, chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh với điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững, có nhiều sản phẩm dịch vụ, hàng hóa mang thương hiệu Ninh Bình.
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp, doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện mẫu mã phù hợp với tâm lý người tiêu dùng.
Hy vọng các doanh nhân Ninh Bình bên cạnh những phẩm chất của người doanh nhân Việt Nam còn có những nét đẹp văn hóa của quê hương Cố đô Hoa Lư lịch sử, tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động nhân ái, từ thiện, an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Đông