Anh Nguyễn Đức Trọng sinh ra từ mảnh đất đồng chiêm Ninh Hòa. Cũng như bao hộ khác trong xã với 2 sào ruộng, anh cảm thấy nếu chỉ dựa vào nghề nông sẽ không đủ chi tiêu, sau bao năm anh đã quyết định đi tìm cho mình một công việc ổn định, với thu nhập khá. Trong chuyến đi làm xa, một lần tình cờ vào thăm mô hình trồng nấm của một người bạn tại Đồng Nai, anh Trọng nhận thấy loại cây này có thể sẽ làm giàu được ngay tại địa phương. Vì trên địa bàn nông thôn sau mỗi vụ lúa, còn dư tồn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, gốc rạ tuốt ra để đầy đồng, mùn cưa, vỏ bào...không dùng đến nên đã gây ô nhiễm môi trường khi không được thu gom, xử lý. Đây là nguồn nguyên liệu rất tốt có thể tận dụng để sản xuất nấm, mộc nhĩ. Từ đây anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cây nấm và bắt tay vào trồng thử nghiệm.
Nhớ lại những ngày đầu gây dựng gia trại, anh Trọng cho biết: Năm 2000, tôi bắt tay vào trồng nấm. Trở ngại lớn của tôi là kinh nghiệm chưa có, vốn ít, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nấm chưa được bài bản. Rất may anh được Huyện đoàn Hoa Lư và Phòng Nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng nấm.
Có kiến thức, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê, tính ham học hỏi, sự sáng tạo của tuổi trẻ, đầu năm 2000, anh Trọng đầu tư xây dựng trại, trồng thí điểm 5.000 bịch phôi mộc nhĩ. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, với số vốn bỏ ra ban đầu là 50 triệu đồng, trừ các loại chi phí cho lãi trên 30 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu đã tạo thêm động lực để anh Trọng mở rộng diện tích và bắt tay vào trồng đa dạng các loại nấm.
Gia trại của anh Trọng trồng các loại mộc nhĩ, nấm sò và nấm linh chi… Đây là những loại nấm có kỹ thuật trồng không cầu kỳ, vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình trồng, anh vẫn tích cực xem báo đài, đi thực tế học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi. Sản phẩm của anh được nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh đến tiêu thụ.
Hiện nay, mỗi ngày, gia đình anh Trọng thu hoạch được 70-80 kg nấm các loại, bán ra thị trường với giá 25.000-30.000 đồng/kg, mộc nhĩ với giá 100.000 đồng/kg, chưa kể đến nấm linh chi có giá thành cao 700.000-800.000 đồng/kg. Những tháng cuối năm cận Tết, riêng mộc nhĩ cho thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, anh Trọng cho hay. Trừ các chi phí, mỗi năm gia trại nấm cho thu về từ 400-500 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đức Trọng cũng chia sẻ thêm: Trồng các loại nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Nghề trồng nấm như nuôi con mọn, không chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời.
Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường. Để đảm bảo duy trì sản xuất, gia đình anh còn thuê thêm từ 8-10 lao động phụ giúp việc đóng bịch, vào lò, ra lò, vào giống. Ngày cao điểm lên đến 15 nhân công, với mức thu nhập 100.000 - 120.000 đồng/công.
Nhận xét về anh Trọng, anh Nguyễn Hùng Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Hòa chia sẻ: Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, anh Trọng còn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương. Điều đáng quý hơn, anh đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn của mình cho những đoàn viên, thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế nói chung, bằng nghề trồng nấm nói riêng.
Bằng ý chí, quyết tâm và sự nhạy bén, anh Trọng trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế của huyện Hoa Lư. Năm 2013, anh đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình với sáng kiến nồi hơi hấp sấy nguyên liệu. Năm 2014, 2016, anh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bài, ảnh: Kim Yến