Mô hình trình diễn sản xuất lúa theo hướng VietGAP được triển khai tại HTX Đông Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô trong vụ mùa năm 2016 trên diện tích 10 ha. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến theo SRI, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM đồng thời tuân thủ nghiêm quy trình gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát và ghi chép nhật ký đồng ruộng…
Kết quả so sánh giữa ruộng mô hình và ruộng nông dân: Ruộng mô hình đẻ nhánh tập trung và kết thúc đẻ nhánh sớm hơn so với ruộng nông dân, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn 6,5%, đối tượng sâu bệnh hại ở ruộng mô hình cũng thấp hơn. Về hiệu quả kinh tế, ở ruộng mô hình chi phí giống, thuốc BVTV thấp hơn trong khi năng suất lại cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng nông dân gần 7 triệu đồng/ha. Mặt khác, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP giúp kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, từ việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV; đồng thời đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, giúp cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất các nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh lúa.
Các đại biểu dự hội thảo đều nhất trí đề nghị Sở NN& PTNT phối hợp với các địa phương triển khai, mở rộng mô hình trong các vụ tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững - an toàn - hiệu quả.
Hà Phương