Qua thời gian triển khai thực hiện, việc xây dựng mô hình cộng đồng tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo có sự lồng ghép bình đẳng giới, phát huy dân chủ cơ sở hướng tới người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đã được nhân rộng và cho hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Thạch Bình hiện có 23,7% dân số là đồng bào theo đạo thiên chúa, 50% là người dân tộc thiểu số (gồm Mường, Tày, Nùng),trình độ nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán cũng mang nhiều sắc thái khác nhau. Từ thực tế đó, việc xây dựng mô hình giảm nghèo lồng ghép với bình đẳng giới, phát huy dân chủ cơ sở là bước đi thích hợp với xã miền núi đặc biệt khó khăn này.
Để thu hút đông đảo nhân dân và các tổ chức tham gia thực hiện dự án, xã đã xây dựng 2 mô hình phát triển cộng đồng, đó là: mô hình nâng cao năng lực của Trung tâm học tập cộng đồng xã và mô hình hoạt động của các câu lạc bộ. Theo đó, Trung tâm thông tin của xã được chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2-2009.
Trung tâm này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kiến thức khoa học về sản xuất, đời sống theo nhu cầu của nhân dân, còn là nơi hỗ trợ sinh hoạt cho các tổ chức đoàn thể, các câu lạc bộ, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân…
Tuy thời gian triển khai chưa nhiều nhưng các hoạt động ở Trung tâm đã diễn ra thường xuyên, cơ sở vật chất của Trung tâm cũng được quan tâm đầu tư mới, gồm 1 máy tính nối mạng Internet, 1 máy photocopy, 1 tủ sách pháp luật và nhiều trang thiết bị khác. Các hoạt động của Trung tâm còn góp phần làm chuyển biến nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, không tự ti, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải biết khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ông Bùi Văn Sơn, một người dân thôn Bãi Lóng vui vẻ cho biết: Với sự hướng dẫn của các cán bộ, lần đầu tiên chúng tôi được tiếp nhận thông tin qua hệ thống mạng Internet, được biết thêm kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất và có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa trong xây dựng đời sống mới ở nhiều địa phương khác.
Nếu như trước đây người dân Thạch Bình chỉ biết đến việc canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên thì nay đã lựa chọn được những cây, con phù hợp với đồng đất địa phương, tập trung phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc ở những thôn có nhiều đất lâm nghiệp, các thôn còn lại nuôi lợn theo mô hình trang trại.
Về mô hình hoạt động của các câu lạc bộ, xã đã bước đầu thành lập câu lạc bộ chăn nuôi (do Hội nông dân phụ trách) và câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo (do Hội phụ nữ phụ trách). Nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ chủ yếu là phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ vốn giúp nhau phát triển kinh tế và thảo luận những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
UBND xã hỗ trợ mỗi câu lạc bộ 2 triệu đồng và kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra các câu lạc bộ còn được xã hỗ trợ tư vấn kiến thức thông qua Ban điều hành Trung tâm thông tin, đồng thời được ưu tiên giúp đỡ vay vốn ưu đãi. Từ hoạt động của câu lạc bộ đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi như: trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hanh (thôn Đồi Mây) và hàng chục hộ đầu tư nuôi nhím, nuôi cá mè…
Nếu so sánh từ cuối năm 2007 (khi dự án mới được triển khai), đến nay Thạch Bình đã có nhiều đổi thay tích cực, năng suất lúa tăng từ 40,5 tạ/ha lên 45 tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 1.820.000 đồng lên 2.200.000 đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 21,6%, không còn hộ phải sống trong nhà tranh tre, vách nứa.
Duy Hiền