…Tôi đã có dịp đi qua những con đường ấy, đi qua những triền cát trắng, ngắm những hàng phi lao rì rào trong gió Lào để đến với con đường Trường Sơn huyền thoại. Trên cung đường đã đi, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ những người dân miền Trung hiền hậu, kiên cường. Khép lại quá khứ thương đau, mất mát bởi chiến tranh, họ đang nỗ lực từng ngày để viết lên sự no ấm cho mảnh đất đầy nắng gió. Nhưng, những nỗ lực chinh phục thiên nhiên liên tục bị cuốn chìm bởi bão lũ…
Miền Trung không đơn độc
Đó là lời tâm sự của cô giáo trẻ Trịnh Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đông (huyện Kim Sơn). Tình yêu với mảnh đất, con người nơi gian khó ấy đã thôi thúc chị Trang và những người bạn lên đường, mang theo những món quà được quyên góp từ các tấm lòng hảo tâm trị giá trên 600 triệu đồng về với miền Trung yêu dấu.
18 giờ chiều thứ 6 ngày 16/10 cuộc hành trình bắt đầu. Càng vào gần dải đất miền Trung, mưa càng lớn, gió càng thổi mạnh, chuyến xe chở chị Trang, đoàn thiện nguyện Ước mơ xanh và hàng hóa vẫn hết sức khẩn trương. Đến 5 giờ sáng, cuộc hành trình xuyên đêm đã đưa các thành viên trong đoàn đặt chân lên mảnh đất Quảng Bình. Chị Trang và hơn 30 thành viên của đoàn vô cùng xúc động khi chứng kiến những hình ảnh quá đỗi đau thương mà nhân dân miền Trung đang phải gồng mình gánh chịu.
"Đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà chấp chới giữa mênh mông nước. Tôi đã đi nhiều chuyến thiện nguyện trong vòng 7-8 năm nay, nhưng chuyến đi này thực sự khiến tôi ám ảnh. Tôi ám ảnh bởi sự khốc liệt, sự tàn phá của thiên nhiên trên mảnh đất khó nhọc miền Trung. Và tôi cũng ám ảnh sức chịu đựng bền bỉ, nghị lực phi thường của những người dân nơi đây. Có lẽ, họ đã được tôi luyện bởi khó khăn, thiên tai như thế này. Chúng tôi được bố trí xuồng để đến trao quà hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Những thùng mỳ, những chai nước lọc… những thứ quá đỗi bình thường ấy trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Bà con rưng rưng khi được đón nhận những tình cảm, sự sẻ chia của biết bao người dân từ phương xa gửi về"- chị Trang nhớ lại.
Đoàn thiện nguyện Ước mơ xanh và CLB Nhân Tâm lại tiếp tục hành trình đến với mảnh đất Quảng Trị yêu thương. Con đường 9 Nam Lào, đường Khe Sanh… những con đường để lại sự da diết, không chỉ bởi tâm sự của đất, mà còn là sự hồn hậu, lam lũ của người dân mà đoàn đã gặp trên suốt hành trình.
Tại Quảng Trị, điểm mà đoàn tìm đến đầu tiên là huyện Hải Long- một huyện bị cô lập bởi mưa lũ. Không kịp nghỉ ngơi, các thành viên trong đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ, ai cũng mong muốn đến được với bà con vùng lũ sớm nhất để trao tận tay những nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, gạo, ruốc, bánh chưng, lạc rang muối…. đến những vật dụng như áo phao, đèn pin… để trợ sức, giúp bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.
Đoàn thiện nguyện vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ ở miền Trung.
Không chỉ trao quà, đoàn thiện nguyện Ước mơ xanh và CLB Nhân Tâm còn phối hợp với Hội Phụ nữ ở từng địa phương tổ chức 20 điểm nấu ăn tại các huyện Hướng Hóa, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Đakrông, Đông Hà và thị xã Quảng Trị để phục vụ tận nơi cho bà con bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Mỗi ngày, đoàn gửi vào cho các điểm nấu ăn tổng số tiền 10 triệu đồng để nấu cơm, đưa đến những hộ gia đình bị ngập, cho đến khi nước rút hoàn toàn, bà con có thể tự sinh hoạt. Ngoài ra, đoàn thiện nguyện còn trao tặng 300 áo phao cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trực tiếp làm công tác phòng chống lụt bão và một số người dân.
Anh Lâm Đình Phụ, Chủ nhiệm CLB Nhân Tâm (Hà Nội) chia sẻ thêm: Đêm chúng tôi ở lại với bà con Quảng Trị, nằm nghe bà con rủ rỉ tâm tình. Mọi người kể cho nhau nghe về sự hi sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ trong lúc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và người dân Quảng Trị vừa bị vùi lấp trong đất đá khi lũ dữ bất ngờ tràn về.
Hay câu chuyện xúc động về gia đình của cậu bé khuyết một cánh tay. Nhà cậu bé nghèo lắm. Vì nghèo, nên cậu bé hơn 10 tuổi phải đi đánh cá với bố mẹ để sống qua quãng thời gian khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong một lần đi đánh cá, em đã bị tai nạn, mất một cánh tay. Gia đình em không thể đến các điểm để nhận quà, vì thế mà các đoàn đến thăm đều vượt qua biển nước mênh mông, mang quà vào tận nơi trao tặng cho gia đình em…
Tận tay trao quà cho em bé bị mất một cánh tay do tai nạn xảy ra trong lúc đi đánh cá cùng gia đình.
Còn nhiều lắm những câu chuyện đau lòng từ mưa lũ mà năm nào người dân Quảng Trị cũng phải gánh chịu. Nhưng bà con đều nói rằng, họ sẽ tiếp tục vươn lên bằng một tinh thần lạc quan nhất để thực sự xứng đáng với những tình cảm mà đồng bào cả nước dành cho họ.
Đúng thế. Miền Trung đã không đơn độc trong cuộc chiến với thiên tai. Những ngày qua, nhân dân miền Trung đã nhận được sự tham gia cứu trợ của nhiều ngành, địa phương và các tổ chức nhân đạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Lực lượng vũ trang thuộc Quân khu 4 và Bộ đội địa phương các tỉnh đã trực tiếp vào tận nơi hỗ trợ kịp thời người dân vùng thiên tai, đưa trẻ nhỏ và người già ra khỏi vùng ngập nước, đưa tài sản lên vùng cao, tiếp tế lương thực nước uống cho người dân đang đói khát.
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Ninh Bình cũng đang hướng về miền Trung bằng những hành động thiết thực.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của các tập thể, cá nhân hướng về đồng bào miền Trung bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Đến nay, đã có 4 đoàn thiện nguyện xuất phát từ tỉnh Ninh Bình về với các tỉnh thuộc miền Trung với đa dạng hàng tiêu dùng thiết yếu trị giá hàng tỷ đồng. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ gạo, phấn đấu sẽ đưa được 30 tấn gạo vào hỗ trợ đồng bào miền Trung trong vài ngày tới.