Nghề "cha truyền con nối"
Không khó để tìm được các hộ còn duy trì nghề dệt chiếu cải. Ngay cả kiến trúc của 2 ngôi nhà đang dệt chiếu cải ở xóm Bến Xanh cũng có sự khác biệt với những ngôi nhà xung quanh, đó là những ngôi nhà có diện tích bề ngang rộng, không giống như những căn nhà ống xung quanh. Chúng tôi đến nhà bác Hoàng Cao Cự đúng lúc vợ chồng bác đang bên go dệt, khác với hình dung ban đầu của chúng tôi, đôi tay của người thợ dệt khá mềm mại, nhẹ nhàng với những nốt ấn như người nghệ sĩ đang lướt trên phím đàn. Chúng tôi được 2 bác tận tình hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản trong dệt chiếu cải, phân biệt được đâu là chiếu cải Bồng Hải, đâu là chiếu cải Kim Sơn. Vừa làm, bác Cự vừa kể chuyện: Chiếu cải Bồng Hải được khách hàng ưa chuộng, cho đến nay vẫn tìm về đặt hàng là bởi các lý do: cói để dệt chiếu phải là cói vụ mùa vì sẽ đanh hơn, trải qua hơn 1 tháng phơi nắng mới đạt tiêu chuẩn để dệt. Bên cạnh đó, trong kỹ thuật dệt, đối với chiếu cải Bồng Hải phải vò đay bằng tay. Hoa văn giữa 2 loại chiếu cũng khác nhau: chiếu cải Bồng Hải là "đi diễu cuốn thư" còn chiếu cải Kim Sơn là "đi diễu công đinh"... Đối với gia đình bác Cự và cả gia đình bác Vũ Văn Nhớn là hàng xóm bên cạnh, nghề dệt chiếu cải đều bắt nguồn từ ông bà, bố mẹ để lại, như là một nghề "cha truyền con nối" và được các bác giữ gìn cho đến ngày nay.
Trong lịch sử Đảng bộ xã, những thông tin về sự phát triển của nghề tiểu thủ công nghiệp này được nhắc đến, năm 1888, chiếu cải Bồng Hải đã được bán ra nước ngoài. Ngay từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết người dân xã Khánh Thiện đều có nghề dệt chiếu, xe đay. Giai đoạn cả nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ những năm 1960, phong trào sản xuất chiếu cói của xã được phục hồi. Xã Khánh Thiện đã chọn những tay go dệt chiếu cải giỏi nhất tham gia dệt chiếu hoa phục vụ Quốc hội, có những lá chiếu rộng 2 mét, cải rồng để phục vụ khách Quốc tế và cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Các tay go dệt chiếu cải giỏi còn được xã cổ vũ đã tổ chức truyền nghề cho thợ trẻ. Theo hình thức "cha truyền con nối", nghề dệt chiếu cải Bồng Hải được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Mai một dần nghề dệt chiếu nổi tiếng
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác Hoàng Cao Cự và Vũ Văn Nhớ đều trăn trở trước nghề truyền thống của quê hương. Bác Vũ Thị Dậu, vợ bác Nhớ, nguyên là Phó Chủ nhiệm HTX chiếu cói Bồng Hải vẫn nhớ: Những năm HTX hoạt động mạnh là những năm từ 1970-1980 của thế kỷ trước, cả xã có khoảng 300 hộ làm nghề dệt chiếu, nhưng chỉ có hơn 20 hộ dệt được chiếu cải vì chiếu cải đòi hỏi kỹ thuật cao, yêu cầu người dệt phải thuộc đường nét để cải những hoa văn bằng tay để những hoa văn khi dệt xong phải nổi lên trên mặt chiếu. Do đó, để thành thạo nghề, người học phải dành thời gian để quan sát, ít cũng phải 3-4 tháng nếu là người tinh nhanh, có khi mất cả năm cũng chưa thông tỏ kỹ thuật vì không có sách vở nào hướng dẫn. Những năm đó, không khí lao động sản xuất rất hăng say. Làm ngày chưa đủ, có những gia đình còn tranh thủ làm tối, làm đêm. Tuy nhiên, nghề dệt chiếu chỉ phát triển mạnh kéo dài đến hết thời bao cấp. Trong khó khăn chung của nhiều HTX lúc bấy giờ, HTX chiếu cói Bồng Hải dần tan rã do cơ chế thị trường, do nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống, chuyển sang làm các nghề khác có thu nhập cao hơn...
Từ đó đến nay, chiếu cải Bồng Hải dần mai một. Theo thống kê của UBND xã Khánh Thiện, hiện cả xã chỉ còn 5 hộ làm nghề dệt chiếu cải, tuy nhiên, hoạt động thường xuyên chỉ còn lại 2 hộ là gia đình bác Hoàng Cao Cự và Vũ Văn Nhớn ở xóm Bến Xanh. Ba hộ còn lại, hộ thì lao động tuổi cao, hộ thì thỉnh thoảng mới "sờ" đến go dệt. Được biết, tuy chiếu cải Bồng Hải có giá trị cao hơn chiếu thường, hiện giá bán khoảng 500.000 đồng/đôi chiếu, thu nhập của người dệt cũng cao hơn nhưng nhiều người không mặn mà làm nghề vì nhiều lý do. Ngoài khó khăn về kỹ thuật, theo xu thế kiến trúc nhà hiện nay đều là nhà ống nên không có đủ diện tích để đặt go dệt. Như 2 gia đình bác Hoàng Cao Cự và Vũ Văn Nhớn hàng tháng chỉ nhận làm khoảng 10-15 đôi chiếu cải. Có nhiều khách hàng, các đại lý ở thành phố Ninh Bình về đặt hàng với số lượng lớn nhưng gia đình nào cũng không dám nhận vì sợ không làm được.
Mặt khác, đối với gia đình ở nông thôn, giá của 1 đôi chiếu cải khá cao so với thu nhập của người nông dân nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua chiếu cải Bồng Hải. Còn ở thành thị, với vô số các mặt hàng chiếu Trung Quốc tiện lợi, giá cả phải chăng, các loại đệm từ bình dân đến cao cấp..., làm cho cơ hội tiếp cận người sử dụng của chiếu cải Bồng Hải cũng hiếm hoi.
Chia tay 2 gia đình làm chiếu cải Bồng Hải, trên đường về, tôi cứ day dứt mãi trước câu nói đùa của bác gái Hoàng Cao Cự: Nếu độ 5, 6 năm nữa, cô quay lại đây, chưa chắc đã tìm được go dệt chiếu cải nào còn hoạt động... Quả thật, nếu không có những người còn tâm huyết với nghề, những lá chiếu cải Bồng Hải sẽ không còn xuất hiện trên thị trường, trong các gia đình. Nhắc đến chiếu cải Bồng Hải độ 5- 10 năm nữa, có lẽ sẽ chỉ còn trong ký ức...
Bùi Diệu