Thực trạng lưới điện ở một số địa phương Theo chỉ dẫn của người dân xã Khánh Mậu (huyện Yên Khánh), chúng tôi đi thăm một số tuyến đường điện hạ áp ở đây, mới thấy hết khó khăn khi ngành điện tiếp nhận lưới điện này. Hầu hết toàn bộ hệ thống đường điện hạ áp ở đây đều khá cũ.
Đường dây điện vào các hộ dân được mắc chằng chịt trên các cột điện với nhiều chủng loại khác nhau. Chất lượng tiết diện dây không đảm bảo an toàn, mắc chồng chéo lên nhau như "ma trận", tìm ra dây dẫn nào vào từng hộ gia đình là điều rất khó khăn.
Đó là chưa kể khi có sự cố về điện trong các gia đình, muốn ngắt cầu dao tổng phải tốn nhiều thời gian. Có những đường dây đi sát các ngọn cây ven đường hoặc sát mái nhà dân, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn điện rất cao.
Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột điện do người dân ở đây tự làm bằng bê tông, nhưng nay đã quá cũ, nên nhiều cột đã bị xiêu vẹo, mục nát. Lại bị hệ thống dây dẫn chằng chịt kéo ngả nghiêng, nên nguy cơ có thể bị đổ bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn cả là việc người dân tự ý kéo điện ra bờ ao để phục vụ cho công việc bơm tưới, dây điện đặt ngay dưới đất, có đoạn vắt ngang qua đường giao thông, khiến cho không ít người đi qua đây phải lo sợ…
Người dân thắc mắc, ngành điện thì... bất lực
Theo một số người dân ở vùng sâu, vùng xa thì từ khi bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, nhưng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện chưa được quan tâm đúng mức. Nhu cầu sử dụng điện của người dân thì ngày càng tăng, nhưng hệ thống lưới điện đã cũ và không đủ chịu tải.
Do đó, vào những ngày nắng nóng, do sử dụng điện quá nhiều nên mặc dù đang sử đụng điện áp 220kv nhưng đồng hồ chỉ còn trên 100kv. Dùng quạt thì quạt quay lờ đờ, lúc nhanh, lúc chậm, do điện áp tăng giảm liên tục. Đèn chiếu sáng thì đỏ như đom đóm, lúc sáng, lúc tối.
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Công ty Điện lực, chúng tôi được biết: Sau khi nhận bàn giao lưới điện hạ áp, ngành điện đã đầu tư, nâng cấp và cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn với số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhưng trong quá trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã gặp rất nhiều khó khăn.
Do trước đây người dân tự nguyện dựng cột, kéo dây về từng gia đình. Vì thế, việc thay đổi là rất khó, việc phát quang hành lang lưới điện thường xuyên gặp phải sự phản ứng của nhân dân như: không cho chặt cây trong phạm vi an toàn lưới điện, buộc ngành điện phải bồi thường…
Việc dựng cột, cải tạo lại lưới điện cũng gặp khó khăn không ít như: Đường nông thôn nhiều đoạn quá nhỏ không có lề đường, dựng cột điện trong vườn của nhân dân thì gặp phản ứng từ phía người dân…
Do vậy, để thực hiện quản lý vận hành lưới điện an toàn và cải tạo lại lưới điện thì không dễ chút nào, đặc biệt là đối với những đoạn đường chạy ngang qua khu vực dân cư. Bên cạnh đó, hiện nay tại một số địa phương đang có phong trào người dân tự nguyện hiến đất, góp công mở rộng đường giao thông nông thôn để xây dựng nông thôn mới. Song, sau khi nhiều tuyến đường được mở rộng thì những hàng cột điện lại nằm ngay giữa lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Để "nhổ" toàn bộ những hàng cột điện lấn chiếm đường giao thông theo yêu cầu nông thôn mới là điều không hề đơn giản chút nào. Về góc độ chuyên môn, ngành điện sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, nhân công, nhưng nguồn vốn để giải quyết vấn đề trên ngay lập tức là điều không dễ thực hiện vì liên quan tới kinh phí. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn khá phổ biến, gây nhiều sự cố lưới điện.
Trong khi, phần dây ra sau công tơ là tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng những dây điện cũ nên không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Mặc dù đã được các Công ty Điện lực khu vực nhắc nhở nhưng người dân chưa hợp tác chặt chẽ và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho chất lượng lưới điện thấp kém và cũng là nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân…
Đôi điều kiến nghị
Nhu cầu sử dụng điện đã trở thành nhu cầu cấp thiết, không thể thiếu được trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm khá tốt trong công tác quản lý và kinh doanh, vẫn còn một số nơi, lưới điện hạ áp nông thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nguy cơ mất an toàn điện là khá cao. Người dân thì cứ thắc mắc, ngành điện thì tỏ ra lúng túng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân.
Cần triển khai và thực hiện tốt nội dung Nghị định 106/2005-NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 34 /2006/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn.
Cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương còn gặp khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tự giác tháo dỡ, phát quang hành lang an toàn lưới điện.
Ngoài ra, cũng cần có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm an toàn về điện, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xuân Tứ