Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong 10 năm triển khai Luật HTX 2012 trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận phối hợp của các ngành, đoàn thể; nâng cao nhận thức, sự quan tâm thực hiện của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển kinh tế tập thể, HTX. Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 19-TT/TU về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 77/CTr-UBND của UBND tỉnh thực Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX, ngoài ra hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể để cụ thể hóa Đề án và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện. Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thi hành Luật…
Do đó, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đã được thực hiện hỗ trợ khu vực KTTT, HTX. Trong 10 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu triển khai hỗ trợ kinh phí gần 45 tỷ đồng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển tập trung vào các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên môn các HTX; hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT); hỗ trợ tín dụng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị xây dựng mô hình HTX, Liên hiệp HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng dụng công nghệ cao sản xuất hữu cơ...
Ngoài ra, từ khi có Luật (năm 2012 đến nay) toàn tỉnh đã thành lập mới 108 HTX; 1 Liên hiệp HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; 348 THT, xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, số thành viên ít nhưng nhu cầu sử dụng lao động nhiều, thu hút lực lượng lao động có chuyên môn vào sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin, sức bật mới cho khu vực KTTT, HTX. Đến 30/6/2021, toàn tỉnh có 422 HTX, 1 Liên hiệp HTX, thu nhập bình quân của thành viên HTX là 4,8 triệu đồng/năm, lao động của HTX là 3,7 triệu đồng/năm, Liên hiệp HTX là 50 triệu đồng/đơn vị thành viên/năm.
Luật HTX năm 2012 ra đời đánh dấu bước ngoặt cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, thay đổi tư duy kiểu cũ, từ tư duy trông chờ chính sách hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền thì các HTX đã chủ động, tự chủ thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu thị trường và định hướng phát triển chiến lược, qua đó đã giúp HTX đứng vững trên thị trường, làm tốt vai trò "Phục vụ thành viên", giúp các thành viên thực hiện được mong muốn liên kết, hợp tác, cùng phát triển; đội ngũ cán bộ có trình độ ngày một được nâng lên; phát huy hiệu quả sức mạnh tập thể… Theo đó, năng suất lao động, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên, thu nhập dần ổn định và có thể vươn lên làm giàu; đời sống văn hóa được cải thiện, thành viên, HTX tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần tích cực vào an sinh xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh.
P.V: Trong quá trình triển khai Luật HTX cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng chí thấy có những điểm nghẽn, rào cản nào đối với sự phát triển của HTX?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy còn một số vấn đề bất cập như hệ thống luật pháp, chính sách không đồng bộ, chồng chéo, có văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chưa tạo điều kiện cho HTX bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Về vấn đề góp vốn theo Luật quy định tối đa không quá 20% vốn điều lệ, đang gây nhiều khó khăn cho tổ chức và hoạt động của HTX khi cần huy động vốn góp của thành viên có điều kiện, trong khi không huy động thêm được vốn góp của thành viên ít vốn; đồng thời không quy định mức tối thiểu, do đó nhiều thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức (góp cho đủ điều kiện là thành viên), cũng vì vậy trách nhiệm và sự tham gia HTX cũng mức độ.
Tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên, giao Chính phủ quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên (Nghị định 193) với tỷ lệ trên 50% và áp dụng chung cho tất cả các loại hình HTX là không phù hợp thực tiễn. Vấn đề phân phối thu nhập cũng đang là rào cản, chưa tạo động lực và huy động mọi thành viên tâm huyết, có điều kiện góp vốn tham gia, vì chủ yếu thu nhập được phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên; phần còn lại được chia theo vốn góp, trong thực tế có những thành viên có thể góp vốn nhiều, tham gia HTX ở góc độ chỉ đạo, đường hướng, tạo điều kiện phát triển thị trường, sản phẩm… thông qua trí tuệ, các thông tin, mối quan hệ, nhưng lại không có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ của HTX, sự tham gia đó khó tính được bằng mức độ sử dụng sản phẩm/dịch vụ để được phân phối thu nhập, do đó cũng sẽ không huy động được sự tham gia của các thành viên đó.
Các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX chưa được thực hiện tổng thể, đồng bộ, nguồn lực hỗ trợ ít, trong khi năng lực quản lý, điều hành của bộ máy quản lý HTX còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ trong tiếp cận vốn, pháp lý, thị trường, nhân lực, đất đai... còn rất thấp, đồng thời không thống nhất cơ quan, tổ chức đứng ra đề xuất các chương trình hỗ trợ HTX (mỗi địa phương một kiểu); xét về mức độ ưu tiên đề xuất chính sách thì HTX thường yếu thế hơn các tổ chức khác, nhiệm vụ khác ở các địa phương, đơn vị.
P.V: Là người quản lý hệ thống HTX, theo đồng chí tới đây khi sửa đổi Luật HTX cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề nào?
Đồng chí Lê Thị Tâm: Như chúng ta được biệt, kinh tế tập thể gồm có: THT, HTX và Liên hiệp HTX. Tuy nhiên, tại Luật HTX 2012 thì THT chưa chịu sự điều chỉnh của Luật, mà hiện nay THT đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ (đây là văn bản dưới Luật nên tính pháp lý không cao) cần được quy định cụ thể vào Luật HTX. Về tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên nên sửa lại là để HTX tự quyết định trong điều lệ của HTX, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Vấn đề góp vốn nên quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên, đảm bảo tính trách nhiệm khi tham gia HTX; vốn tối đa cũng nên tăng lên để huy động nhiều thành viên có khả năng, điều kiện tham gia. Cần xác định rõ và phân định các loại thành viên (về điều kiện tham gia; quyền, nghĩa vụ của thành viên trong tổ chức), bảo đảm không làm mất đi bản chất của kinh tế hợp tác (đối nhân - mỗi người một quyền biểu quyết) nhưng vẫn có sự công bằng giữa các thành viên, khuyến khích và thu hút thành viên tham gia, tăng cường tính liên kết, phát huy được tinh thần làm chủ của thành viên và sức mạnh tập thế của tổ chức.
Đối với quy định về nghĩa vụ của thành viên phải sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thành viên, sẽ chấm dứt tư cách thành viên nếu không sử dụng dịch vụ của HTX liên tục trong 3 năm, đối với HTX tạo việc làm không quá 2 năm. Hay quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập; Quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên… những vấn đề này rất bất cập, không khả thi, cản trở, kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX, đi ngược với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện để những người có điều kiện về vốn, trí tuệ, công sức... tham gia HTX nhiều hơn.
Về chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (quy định tại điều 6 Luật HTX và Nghị định 193, Nghị định 107), tuy nhiên rất ít HTX được thực hiện. Nguồn lực thực hiện chính sách này không nhiều và không được bố trí nguồn lực riêng mà lồng ghép trong các chương trình khác. Cần sửa đổi Luật HTX quy định rõ hơn về các chính sách này, đặc biệt nguồn lực Trung ương, địa phương theo kế hoạch.
Chính sách giao đất, cho thuê đất: hầu như HTX không được hưởng thụ chính sách này do quỹ đất công hiện nay còn hạn chế. Một số địa phương có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khó khăn, quy định về quyền thế chấp, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn thiếu linh hoạt trong hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng, ngân hàng. Cần sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 về các quy định riêng về chính sách giao đất, cho thuê đất đối với HTX.
Đề nghị chỉ đạo thống nhất hệ thống văn bản pháp luật khác không quy định hoặc mâu thuẫn với Luật HTX năm 2012, tạo điều kiện cho HTX bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác như trong khoản 2, điều 5, Luật HTX đã nêu. (Một số Luật, nghị định… quy định về ngành nghề kinh doanh thì chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia mà HTX lại không được phép tham gia: Luật Kế toán, Luật quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông…).
Về tổ chức đại diện của HTX, vai trò, vị trí, chức năng của các tổ chức đại diện cho HTX được quy định rõ và quan trọng, tuy nhiên chính sách, điều kiện cho tổ chức này chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao và không rõ. Cần xác định các chính sách, nguồn lực cụ thể để hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đề nghị xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được tổ chức ở cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Đồng thời, cần bổ sung theo hướng tập trung đầu mối chủ thể tham mưu về lĩnh vực KTTT sao cho tinh gọn, tránh trùng lắp chức năng từ khâu tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ thành lập đến cấp giấy chứng nhận đăng ký và kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Nhung (Thực hiện)