Nhiều người vẫn quan niệm khi đã là lãnh đạo quản lý thì áp lực công việc, những hành chính, giấy tờ sẽ làm mất đi tính sáng tạo của một nhà báo nhưng với Trương Đức Minh Tứ thì khác, với anh "không viết là chết một nửa". Anh lặn lội đi cơ sở, không chỉ Quảng Trị mà ghi dấu ấn trên mọi miền Tổ quốc rồi đêm về lại thao thức với những con chữ, với sự uyên ảo của ngôn từ; lại khát khao tìm ra cái mới trong những điều đã cũ khi bạn bè, đồng nghiệp đã viết, anh khơi lại nguồn cũ với cảm xúc thăng hoa, với cách tiếp cận mới, có khi ngược chiều theo kiểu của Trương Đức Minh Tứ. Để khẳng định được vị trí của một cây bút có dấu ấn mà chỉ đọc vài dòng thôi cũng nhận ra tác giả là ai, ở báo địa phương không phải là điều dễ dàng, Trương Đức Minh Tứ đã làm được điều đó. Và vì thế không có gì lạ khi từ năm 2000 đến nay, anh "bội thu" với 2 giải A, 1 giải B, 3 giải C giải Báo chí Quốc gia, với 2 tập phóng sự ký sự dầy dặn là "Dưới chân Thành cổ" và "Dòng sông ký ức" cùng nhiều tác phẩm khác như tập truyện ngắn "Hương rừng", "Đi dọc miền Trung", "Nồng nàn đất lửa"... Sách của anh thường không có để biếu nhiều mà đã có những cuốn phải tái bản nhiều lần do nhu cầu bạn đọc khá cao. Thế mới biết sức hút của phóng sự, ký sự Trương Đức Minh Tứ thế nào.
Trong câu chuyện với anh, tôi thấy ngoài sự miệt mài để thâm canh trên "Cánh đồng chữ nghĩa", anh luôn có cảm giác "trắng tay" và lý giải rằng "Tuổi thọ của một tác phẩm báo chí không dài, nhiều khi chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định bởi thế phải luôn không ngừng hâm nóng cảm xúc, tạo dấu ấn, phong cách riêng, không bị chi phối bởi khuôn thức tẻ nhạt, thắp những vùng bóng tối, tươi mới mọi cỗi cằn". Cái triết lý ấy cũng là lạ trong thời buổi báo chí chịu nhiều ảnh hưởng của cơ chế thị trường như hiện nay. Và tôi hiểu vì sao, cây bút Trương Đức Minh Tứ vẫn trụ vững trong lòng bạn đọc, dù anh đã làm công tác quản lý báo chí trên 20 năm. Say nghề luôn là động lực cho anh cầm bút, bởi thế trong trang viết của anh luôn hừng hực lửa nghề, như thể một phóng viên đang trong độ sung mãn nhất, dồi dào sinh lực nhất.
Đọc ký báo chí của Trương Đức Minh Tứ với "Dòng sông và ký ức", "Dưới chân Thành cổ", có thể thấy văn anh hấp dẫn không chỉ nhờ giàu thực tế trước mắt và dĩ vãng chưa xa mà còn là "phù thủy" của ngôn ngữ khi đưa ngôn từ đến đỉnh cao của sự chắt lọc, sáng tạo; với cách diễn đạt vừa đủ tới để người đọc nghĩ và cảm nhận. Anh không chỉ có kiến thức riêng về quê hương Quảng Trị mặc dù nó là mạch nguồn xuyên suốt trong các tác phẩm của anh mà anh còn biết nhiều chuyện khác rộng hơn, chứng tỏ anh là người chịu đọc, chịu học, chịu tìm hiểu, lắng nghe, cần cù tích lũy vốn sống để vươn dần lên độ chín. Anh không khoe chữ, song đọc anh có thể thấy thấp thoáng sau những dòng chữ là nền tri thức văn hóa khá dày. Anh dùng tiếng địa phương trong các tác phẩm của mình có chọn lọc, vừa đủ tô sắc thái riêng, không sa đà để đỡ lạ lẫm cho người đọc các nơi. Anh trích dẫn đúng lúc ý văn, tứ thơ người khác. Anh cố gắng gia công bài viết cho hợp với nhu cầu báo chí, lấy súc tích ngắn gọn làm đầu với giọng văn chừng mực và khúc chiết. Anh biết cô nén cảm nhận, không miên man giãi bày, thường chờ đến cuối bài, kết lại qua vài câu hay một đoạn văn hàm súc để lưu lại dư âm trong lòng độc giả, có khi là dư âm đẹp, có khi là sợ trăn trở nghĩ suy về thời cuộc thế sự.
Những bút ký như "Chuyện ghi bên thềm Cầu Trắng", "Nơi cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn", "Cuộc hạnh ngộ sau 22 năm lưu lạc", "Bến Hải ngày ấy bây giờ", "Cõi thiêng Thành cổ", "Một vùng văn vật"... là những trang viết thấm đẫm chất nhân văn của một nhà báo. Bên cạnh những bài viết về những thân phận, những vấn đề thời sự, mảng đề tài về quê hương đất nước luôn có sức nặng trong những tập sách của Trương Đức Minh Tứ, đặc biệt là vùng quê Quảng Trị của anh. Anh tìm ra được cái bất thường trong cái ngỡ như bình thường, bày tỏ trách nhiệm công dân và tấm lòng của một người làm báo chân chính qua những trang viết của mình. Bởi thế, phóng sự, ký sự của Trương Đức Minh Tứ không chỉ là hoài niệm, cũng không chỉ là hiện tại, không chỉ đẹp mà còn có tính đấu tranh. Và người ta cũng có thể dễ dàng nhận ra "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" nhưng "gió chẳng thể cuốn đi" bởi từ những trang viết đầy trăn trở ấy khiến người ta phải day dứt, phải suy nghĩ, có khi là tìm về quá khứ nhưng có khi là phải tìm lời giải ngay cho hiện tại.
Nhìn vào khối lượng tác phẩm ngày càng dày lên theo thời gian của Trương Đức Minh Tứ, những nhà báo trẻ như chúng tôi hiểu rằng trên con đường dài thăm thẳm của nghiệp viết lách, nếu đã chấp nhận "cuộc chơi" thì phải dấn thân và biết học hỏi bởi trong hành trình này không chỉ có niềm vui mà còn có nỗi buồn, có vinh quang nhưng cũng đầy bất trắc, nhiều khi có cả vị xót xa, cay đắng đến phũ phàng. Nhưng Trương Đức Minh Tứ, một người lãnh đạo báo chí, một người viết, một đồng nghiệp đã truyền cho tôi cảm hứng: Để trụ vững trong lòng bạn đọc phải biết giữ lửa nghề, phải dấn thân, hy sinh để sống chết với nghề....Nghĩa là làm tất cả, trừ việc bẻ cong ngòi bút.
Quỳnh Thu