"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"
Đó không phải là khẩu hiệu mà là thực tế đang diễn ra sống động tại thôn Thượng Phường, xã Yên Thành. Tại đây, với vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy cơ sở, từ năm 2017 đồng chí Trần Trọng Tước, Bí thư chi bộ thôn đã gương mẫu, tiên phong chuyển đổi hơn 1 mẫu đất hoang hóa và ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, nuôi cá. Ông nhớ lại: Những ngày đầu tôi đưa vợ con đến vừa khai khẩn, vừa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nơi đây sâu trũng, cỏ mọc tốt um tùm, gần đó chỉ có núi đá và cây cối,…
Nhiều người ái ngại khi nhìn thấy khu đất hoang hóa này nhưng ông Tước lại coi nó như "đất vàng" bởi ở đó quanh năm không bao giờ cạn nước, mà nước thì rất sạch do tách biệt với khu dân cư, khu công nghiệp nên không có yếu tố độc hại, phù hợp để đào ao thả cá.
Nhìn thấy tiềm năng nhưng để làm cho vùng đất này thực sự sinh lời phải cần rất nhiều công sức. Do diện tích lớn nên vợ chồng ông Tước mất nhiều thời gian để đào ao, vượt đất làm vườn trồng cây ăn quả và chăn nuôi thêm gà, vịt. Nhờ bí quyết đảm bảo nguồn nước nuôi cá không bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh mà gia đình ông Tước dần có khoản thu từ cá, đó cũng là "điểm tựa" để đầu tư trồng thêm chuối tây Thái Lan và một số loại cây ăn quả khác.
Ông Tước cho biết: so với cây chuối ta, chuối tây Thái Lan có nhiều ưu điểm, hầu như không bị sâu bệnh, năng suất cao và buồng to trái đẹp hơn hẳn… Đặc biệt, quanh năm gia đình đều có sản phẩm từ cây chuối để bán, thêm nữa giá cả cũng khá ổn định.
Được biết mỗi năm gia đình ông Tước có thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng từ mô hình kết hợp nuôi cá, trồng chuối và cây ăn quả, mức thu nhập này cao gấp vài lần so với cấy lúa trước đây. Nhưng điều ông Tước mừng vui hơn cả là hiệu quả của mô hình đã tác động tích cực để người dân địa phương mạnh dạn đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào chuyển đổi. Những e ngại về trình độ canh tác, rồi cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn thiếu và yếu,... dần được hóa giải với sự hỗ trợ của chính quyền và sự đồng lòng của người dân. Hiện cả thôn có hơn 30 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích trên 12 ha, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình đã khấm khá hơn trước, trong đó có cả những đảng viên.
Thực tế ở Thượng Phường phần nào cho thấy, việc gì cán bộ, đảng viên nói được, làm được là dân tin và ủng hộ ngay. "Chúng tôi luôn khuyến khích đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, đồng thời tăng cường tuyên truyền để các đảng viên chủ động thực hiện nghị quyết và cụ thể hóa phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như tiềm năng của gia đình mình." - đồng chí Vũ Văn Phái, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.
Ý Đảng mở lòng dân
Không còn ám ảnh của những đói nghèo từ nhiều năm trước, diện mạo của vùng đất Yên Thành đang đổi thay từng ngày. Từ sự quan tâm của tỉnh, của huyện và phát huy nội lực của địa phương, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, trọng tâm là tạo bước đột phá từ sản xuất nông nghiệp,… Quyết tâm này được cụ thể hóa thành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cây trồng, thủy sản trên đất hai lúa xã Yên Thành giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó hỗ trợ kinh phí đào đắp một lần cho các hộ tham gia chuyển đổi là 5.000.000 đồng/ha. Có thể thấy, ngay từ tên gọi, Nghị quyết này đã giúp khơi nguồn sinh kế mới cho người dân và những chính sách kèm theo chính là sự "tiếp sức" của cấp ủy, chính quyền địa phương với bà con trong nỗ lực thoát nghèo nhanh và bền vững.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại: Lúc ấy "ý Đảng đã mở lòng dân" nhưng không ít người vẫn còn rụt rè bởi sinh kế chủ yếu của bà con Yên Thành trước đây chỉ là cấy lúa, tự cung tự cấp nay lại chuyển đổi, phải cải tạo, phải đầu tư rồi học hỏi… Nhưng điều đáng ghi nhận là thời điểm đó nhiều đảng viên như ông Tước đã xung phong nhận ruộng xấu, ruộng trũng để phát triển kinh tế mới. Chính vai trò, sự tiên phong và hiệu quả từ những mô hình kinh tế của gia đình đảng viên trong xã đã giúp thay đổi tư duy, trở thành động lực để người dân địa phương mạnh dạn hơn trong chuyển đổi. Đảng ủy xã cũng đã phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách thôn, xóm sâu sát thực tế, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của bà con để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Quá trình triển khai, Đảng ủy xã thống nhất quan điểm chỉ đạo là khuyến khích người dân chuyển đổi nhưng việc chuyển đổi phải có kế hoạch, phù hợp thực tế địa phương. Do vậy, hàng năm UBND xã có quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Từ đó hướng dẫn nhân dân triển khai và hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật sản xuất dẫn đến hiệu quả không cao.
Tới nay đã có gần 100 ha đất sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả của địa phương được người dân cải tạo và xây dựng các mô hình chuyên canh như vùng trồng khoai lang, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá kết hợp trồng chuối, vùng trồng cây ăn quả, giúp các hộ tiết kiệm chi phí, giá trị thu nhập đạt khoảng 170 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với cấy lúa.
Yên Thành đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn xã sẽ chuyển đổi thêm 80 ha ruộng sâu, trũng sang các mô hình canh tác mới. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến nông sản, tìm đầu ra ổn định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nhất là hệ thống tiêu thoát nước các vùng chuyển đổi…
Bài, ảnh: Đào Duy