Nếu có số điểm đạt được ở 3 môn tương đối khá thì lựa chọn này khá đơn giản. Tuy nhiên, với nhiều thí sinh và gia đình, mặc dù điểm 3 môn thi khá "khiêm tốn" nhưng vẫn lựa chọn những ngành nghề ở các trường đại học, cao đẳng phải "có tiếng" một chút để theo học. Thực trạng này đã góp phần làm cho các trường đại học, cao đẳng địa phương khó có cơ hội thu hút thí sinh khi mùa tuyển sinh đang cận kề…
Cô con gái lớn nhà chị Phạm Thị Linh (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và đang phân vân giữa những lựa chọn ngành nghề. Hỏi chuyện được biết: điểm thi đại học của con gái chị được 13 điểm, với số điểm đó, ban đầu cả hai vợ chồng chị hào hứng với dự định sẽ nộp hồ sơ cho con vào Trường Đại học Hoa Lư, con bé nghe bố mẹ bàn bạc như vậy cũng không thấy có ý kiến gì.
Nhưng hôm sau, cháu nói với bố mẹ nhất định không vào học tại Đại học Hoa Lư mà sẽ theo bạn nhập học vào Trường Đại học Công nghệ và kinh doanh Hà Nội. Phân tích cái được, cái chưa được của từng trường, động viên, khuyến khích con nên vào học đại học Hoa Lư vừa gần nhà, thuận tiện cho bố mẹ chăm sóc, dạy bảo lại đỡ tốn kém về kinh phí học tập nhưng con bé nhất quyết không đồng ý. Sau mấy ngày "ăn vạ" bố mẹ bằng cách nhịn ăn, không nói chuyện, cuối cùng anh chị Linh cũng phải đồng ý để con theo học tại Hà Nội.
Nói chuyện với chúng tôi, chị Linh buồn bã: Biết là chúng nó theo trào lưu của bạn bè, thích học ở thủ đô hơn ở địa phương… nhưng giờ mà làm theo ý mình thì nó lại chán nản, sa sút học tập cũng khổ. Trong khi, qua tìm hiểu của vợ chồng tôi, ngành kế toán Trường Đại học Hoa Lư cũng tổ chức đào tạo, học phí thấp, 4 năm đại học đỡ bao nhiêu khoản, lại là trường đại học công lập…
Câu chuyện lựa chọn ngành nghề của gia đình kể trên không phải là trường hợp cá biệt. Thời điểm sau khi có kết quả thi tuyển sinh đại học, đi đâu cũng bắt gặp và được nghe những câu chuyện xoay quanh việc lựa chọn nguyện vọng 2 sao cho đúng, trúng. Với mức điểm 3 môn thi đại học đạt từ 13-15 điểm, quả là khá khó khăn cho gia đình và thí sinh để lựa chọn được một trường học như ý.
Qua tìm hiểu được nhiều thí sinh cho biết, xu hướng của nhiều em vẫn là phải lên thủ đô, học ở các trường có tiếng một chút để "tự tin" với bạn bè. Vậy là, những trường dân lập, trường đại học có hệ cao đẳng, trung cấp… luôn là lựa chọn số 1. Thậm chí, cũng ngành nghề đào tạo ở Đại học Hoa Lư, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình sẵn có, nhưng nhất định phải yêu cầu gia đình cho đi học các trường ở các tỉnh, thành phố khác, lý do đơn giản chỉ là… không thích học ở tỉnh nhà. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến các thí sinh không "mặn mà" với các trường tại địa phương còn do tâm lý muốn học ở những trường có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.
Trong một lần làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo được biết thêm: Việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh trong tỉnh những năm qua chưa bám sát nhu cầu lao động của xã hội và các tổ chức kinh tế, lựa chọn còn mang tính chất cảm tính, chưa phù hợp với năng lực của bản thân, vì vậy kết quả thi tuyển không được như mong muốn. Mặc dù các năm qua, tỷ lệ thí sinh thi đỗ đại học, cao đẳng tăng theo từng năm, nhưng tỷ lệ này đến năm 2013 mới có 49,52% số trúng tuyển trong tổng số hồ sơ dự thi. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng tại Ninh Bình vẫn rất khó khăn.
Năm qua, cả 4 trường trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh đều không tuyển sinh được 100% chỉ tiêu đã được tỉnh và Bộ Giáo dục- Đào tạo phê duyệt trong kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến kết quả tuyển sinh nói trên chủ yếu là các yếu tố khách quan: Tâm lý của thí sinh không muốn học ở tỉnh nhà; tâm lý "sính" bằng cấp khiến các trường nghề không thu hút được thí sinh, sự phát triển ồ ạt của các trường đại học, cao đẳng và sự cho phép kéo dài thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng đến tận tháng 11 đã khiến các trường nghề đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận thực tế, bản thân các trường địa phương, nhất là trường nghề chưa năng động, sáng tạo trong việc đưa ra các giải pháp để tuyển sinh, thu hút thí sinh; việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp hiện nay vẫn "bó hẹp" trong phạm vi các trường THPT, chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội…
Bùi Diệu