Không phải là lần đầu đặt chân tới Cúc Phương, nhưng với tôi đây lại là lần đầu được trải nghiệm, được khám phá Cúc Phương thông qua một chuyến tuần tra rừng cùng các cán bộ kiểm lâm rừng Cúc Phương. Hơn 7 giờ sáng, các cán bộ kiểm lâm đã tập hợp ở bìa rừng. Hành trang theo chuyến tuần tra ấy chẳng có gì nhiều, chỉ là những đôi giày vải "đặc chủng" để tránh muỗi đốt, tránh vắt, rắn và đặc biệt là để việc leo lên vách cao được an toàn, dễ dàng hơn. Trên lưng mỗi kiểm lâm là một chiếc ba lô nhỏ, trong đó có cả những bánh lương khô hoặc vắt cơm vừng để tranh thủ ăn bữa trưa giữa rừng già. Đội tuần tra xuất phát với 7 thành viên. Kiểm lâm già Bùi Đức Minh, người có ngót 30 năm gắn bó với khu rừng này động viên chúng tôi: Có nhiều cách để tham quan trọn vẹn rừng Cúc Phương, nhưng đi bộ là thú vị nhất. Có đi, có khám phá tận ngóc ngách của rừng mới thấy hết được hơi thở, lời tự tình của rừng trong mỗi bước đi. Vừa đi, kiểm lâm Minh vừa giới thiệu cho chúng tôi nghe về rừng. Hệ thực vật đã thống kê được trên 2.000 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có những cây đại thụ như chò, sấu hay những dây leo thân gỗ vừa to vừa dài, uốn lượn giữa các tầng rừng. Hệ động vật với gần 700 loài động vật có xương sống gồm trên 300 loài chim, hơn 100 loài thú, trên 100 loài bò sát và lưỡng cư, cá… trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng Quốc gia Cúc Phương. Thế giới côn trùng lại càng phong phú đã ghi nhận gần 2 nghìn loài. Trong đó có loài bọ que ngụy trang như cành cây, chỉ có thể nhận ra khi chúng cử động, thường xuất hiện rất nhiều vào mùa hè là các loài bướm sặc sỡ sắc màu… Có thể nói, đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Ngoài ra, Rừng Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp và bí ẩn như: động Sơn Cung, động Phò Mã giáng… đặc biệt, có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử cách đây từ 7500 đến 12 nghìn năm, đó là hang Đăng (động Người Xưa), hang con Moong…
Cứ như vậy, những thông tin về rừng Cúc Phương thật mê hoặc, khiến cho chuyến đi xuyên rừng của những người "nghiệp dư" như chúng tôi thêm hăng hái. Càng đi sâu vào rừng, cảm giác thật bí ẩn và hoang dã. Gió giữa đại ngàn rì rào như thay lời cây cối và muông thú báo cáo với đội tuần tra rằng: chúng tôi đã có một giấc ngủ bình an. Kiểm lâm Phạm Công Hoan, Hạt phó Hạt kiểm lâm bảo, ông quê ở ngay xã Cúc Phương này. Với ông và nhiều thế hệ người dân Cúc Phương khác thì khu rừng Cúc Phương tựa như ngôi nhà thân thương, là nơi chở che và ấp ôm bao kỷ niệm. Sau khi đi bộ đội về, ông Hoan theo học Trường Đại học Lâm nghiệp và trở về gắn bó với khu rừng già này từ năm 1984 cho đến tận bây giờ.
Hạt phó Phạm Công Hoan chia sẻ: Thời xưa, đồng bào dân tộc Mường ở Cúc Phương rất nghèo. Họ bám vào rừng mà sống nhờ lấy củi, chặt cây bán… nên công việc của kiểm lâm rất vất vả. Việc tuần tra, bảo vệ rừng phải thực hiện thường xuyên không kể ngày hay đêm. Cứ nghe tin báo có lâm tặc, dân tặc là lại lên đường. Đa số, bà con do nghèo, do nhận thức còn hạn chế mà phá rừng. Nên phương pháp của chúng tôi là phải gần gũi với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động. Những lúc rảnh rỗi, anh em kiểm lâm lại rủ nhau vào các thôn bản lân cận chơi, tiếp xúc với đồng bào để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của đồng bào, cùng làm việc với đồng bào để hướng dẫn đồng bào cách phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và chung sức với kiểm lâm bảo vệ rừng. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận lâm tặc rất manh động, chúng sẵn sàng chống trả lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, bắt giữ. Hạt kiểm lâm đã có 4 kiểm lâm từng bị lâm tặc tấn công, gây thương tích như anh Thịnh, anh Thông, anh Trung, anh Kiệt… Gian khổ, hiểm nguy nhưng những lối mòn xuyên rừng vẫn in đậm dấu chân của các thế hệ kiểm lâm. "Nhìn chồi non lớn mỗi ngày, nhìn con thú hoang hôm nào đã sinh trưởng tốt, được lắng tai nghe tiếng rì rào như thể lời tự tình của đại ngàn bao la thì chẳng ai nỡ rời xa rừng"- Hạt phó Phạm Công Hoan xúc động nói.
Lắng nghe câu chuyện các anh kể, chẳng riêng chúng tôi mà còn có một người lắng nghe rất chăm chú và xúc động, đó chính là kiểm lâm trẻ nhất đội Phạm Thanh Thế. Thế sinh năm 1990, quê ở xã Chất Bình, huyện Kim Sơn. Thế kể, ngày em học cấp 2, một lần được bố đưa đi tham quan rừng Cúc Phương. "Từ biển ngược lên rừng nên có bao nhiêu điều bỡ ngỡ, tò mò. Một buổi đi rừng em khám phá được bao nhiêu điều mới lạ. Và cả nhiều điều chưa hiểu, chưa rõ muốn được khám phá. Em đã nghĩ: Mong sẽ có ngày trở lại khu rừng này. Lời hứa của em đã được thực hiện, sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp em may mắn được nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm Cúc Phương"- Thế chia sẻ.
Trời đã xế chiều, Cúc Phương trong cái nắng hoang hoải của một chiều mùa đông đẹp đến say mê, đến quên cả lối về. Cái nắng yếu ớt đang dần thay thế bởi những cơn gió lạnh mang theo cả sự âm u của sương mù. Trên đường trở ra rừng, bước chân đã mỏi nhưng tâm hồn chúng tôi ngổn ngang những nỗi niềm, cảm xúc. Vì nhiệm vụ, mà có biết bao mùa xuân qua các anh xa gia đình để đón Tết cùng rừng xanh. Cũng đủ đầy bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, nhưng vẫn nghẹn ngào nỗi nhớ gia đình, người thân. Trong cái khoảnh khắc đón chờ năm mới ấy, xung quanh chỉ có tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng kêu rả rích cả đêm, tiếng vượn hú gọi đàn và tiếng nước suối chảy róc rách… nhưng các anh đều hiểu rằng đó là những âm thanh thay lời cảm ơn của núi rừng đại ngàn cho một cuộc sống bình yên.
Đào Hằng