Qua khảo sát đánh giá khu vực nông thôn tỉnh Ninh Bình cho thấy, chất đốt từ củi và phụ phẩm nông nghiệp vẫn là nhiên liệu chủ yếu được các gia đình sử dụng, việc này đã làm giảm diện tích rừng cũng như gia tăng lượng khí CO2 vào khí quyển. Các dạng năng lượng như xăng, dầu, gas đang ngày càng tăng giá và với khả năng kinh tế của người dân nông thôn, họ không có đủ điều kiện sử dụng, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Trước thực tế đó, khí sinh học là lời giải tối ưu nhất cho bài toán năng lượng và môi trường của bà con nông dân. Tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hội phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện đề án "Triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng hầm biogas tiết kiệm năng lượng" và đạt được những kết quả thiết thực.
Để mô hình thực sự đem lại hiệu quả lâu dài, các cấp Hội phụ nữ được lựa chọn và triển khai Đề án đã tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành, bảo dưỡng hầm biogas cho cấp ủy, chính quyền, trưởng thôn, cán bộ hội phụ nữ và người dân. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết bà con nông dân trong tỉnh đã nhận thức được lợi ích đem lại từ mô hình biogas, rất nhiều hộ mong muốn được hỗ trợ xây dựng hầm biogas phục vụ mục đích chiếu sáng, đun nấu, chăn nuôi, ủ trứng… Bà Phạm Thị Thắm, xóm 11, xã Khánh Công (Yên Khánh) chia sẻ: "Chi phí năng lượng dành cho đun nấu và thắp sáng của gia đình tôi mỗi tháng hết khoảng 300.000 đồng nhưng kể từ khi xây dựng hầm biogas, khoản chi này giảm hơn một nửa, ngay cả những ngày mất điện nhà tôi vẫn sinh hoạt bình thường, không chỉ có đủ điện thắp sáng, sưởi ấm cho đàn gà, ngan xấp xỉ 300 con, lượng gas đun nấu, cơm nước cho cả nhà vẫn còn dư, tôi vẫn tranh thủ nấu cám cho 5 con lợn. Chỉ hơn năm là tôi thu lại được vốn xây hầm biogas, nhà cửa, vườn tược lại sạch sẽ, đây đúng là sáng kiến cho nhà nông chúng tôi. Theo các nhà khoa học, việc sử dụng hầm khí sinh học có thể tiết kiệm gas cho đun, nấu hay tiền điện thắp sáng. Ngoài ra, do chất thải sau khi phát điện có thể dùng để làm phân bón nên mỗi hầm khí sinh học còn có thể tiết kiệm gần 300.000 đồng chi phí phân bón cho 1 ha lúa. Đồng thời, hạn chế côn trùng phát triển, giảm dịch hại từ 80-85%, nâng cao chất lượng sản xuất và bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, về mặt xã hội và môi trường, chất thải chăn nuôi được xử lý đã hạn chế cơ bản ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo bếp đun không khói bụi, sạch sẽ, tiết kiệm thời gian. Chị Bùi Thị Hường, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh cho biết: Trước đây, mỗi tháng, gia đình tôi tiêu tốn khoảng 500.000 đồng tiền điện để ấp trứng, sưởi ấm cho gà hơn 1.000 con, cũng như sử dụng cho các nhu cầu khác của gia đình và trang trại. Đáng lo ngại hơn, chỉ một phần lượng chất thải từ đàn gia cầm được sử dụng để bón ruộng, còn lại đổ ra ao, kênh, gây mùi rất khó chịu. Từ khi xây dựng hầm biogas, không những giúp xử lý chất thải, tạo nguồn điện để ấp trứng vịt lộn, sưởi ấm cho gà, vịt con mới nở mà còn giúp gia đình tôi tiết kiệm được tiền điện hàng tháng do toàn bộ hệ thống điện thắp sáng trong trang trại đều tận dụng từ hầm biogas.
Với những kết quả đó năm 2013, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai Đề án "Triển khai mô hình sử dụng công trình biogas tiết kiệm năng lượng tại Ninh Bình năm 2013". Hội đã tổ chức tập huấn, truyền thông tại 20 xã về mục tiêu đề án, lợi ích của thiết bị khí sinh học, cách sử dụng và bảo quản công trình biogas. Nội dung này được các cấp hội lồng ghép với việc tuyên truyền thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ đã đi kiểm tra, giám sát tại cơ sở để công trình hầm khí biogas được sử dụng hiệu quả nhất.
Những kết quả trên cho thấy những nỗ lực của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh trong phổ biến rộng rãi mô hình khí sinh học, tạo nguồn nhiên liệu sạch phục vụ đun nấu cho người dân khu vực nông thôn, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe và kinh tế cộng đồng, xây dựng nếp sống vệ sinh, văn minh. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
CTV