Sự cần thiết phải chuyển đổi
Chợ Chớp, xã Yên Hưng (Yên Mô) là nơi giao lưu kinh tế thương mại, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Chợ được xây dựng từ năm 1976, nhưng do không có Ban quản lý nên đến nay những vấn đề về đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, công tác vệ sinh môi trường… vẫn chưa được quan tâm.
Chợ Nam Dân (hay còn gọi là chợ Kim Sơn) đã có Ban Quản lý gồm 21 người nhưng bộ máy này hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp. Bởi đến giờ Ban quản lý chợ chỉ làm công việc chính là thu phí, lệ phí mà nhiệm vụ quan trọng như bảo trì, nâng cấp các công trình chính của chợ gần như bỏ ngỏ. Ông Phạm Văn Ngọc, quyền Trưởng ban quản lý chợ Nam Dân cho biết: Mỗi năm chợ thu phí được khoảng 1 tỷ đồng, ngoài số tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước theo quy định thì số tiền còn lại cũng chỉ đủ để duy trì các hoạt động thường xuyên của chợ, vì vậy để nâng cấp chợ một cách hệ thống là rất khó.
Hiện toàn tỉnh có 119 chợ với 3 hình thức quản lý, trong đó có 9 ban quản lý (138 lao động), 78 tổ quản lý (197 lao động); các chợ còn lại quản lý bằng hình thức giao khoán, tự quản. Hệ thống chợ cung ứng khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn. Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay công tác quản lý chợ vẫn còn nhiều bất cập. Mô hình tổ chức quản lý không thống nhất, nhiều đầu mối, cùng một loại chợ như nhau, có chợ do UBND huyện quản lý, có chợ lại do UBND xã, phường thành lập ban quản lý, một số chợ khác lại được giao thầu khoán cho một nhóm cá nhân trực tiếp quản lý.
Hầu hết các ban quản lý chợ chưa có nội quy hoạt động hoặc nếu có thì chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, đa số các Ban quản lý vừa ít về số lượng, vừa yếu kém về năng lực do chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác chợ, chỉ có một số cán bộ, công chức quản lý chợ cấp huyện được tỉnh phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàng năm không có kinh phí cấp cho các đơn vị để tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, hiện nay các cơ quan chức năng chưa ban hành nội dung chương trình chuẩn về đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chợ.
Sự yếu kém của các Ban quản lý dẫn đến việc chậm trễ, thụ động trong khai thác nguồn thu và đầu tư xây dựng chợ. Hàng năm, nguồn ngân sách của các địa phương vẫn phải chi một khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, chưa huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế. Hạn chế của các ban quản lý còn làm cho hoạt động quản lý chợ không hiệu quả…
Một điểm đáng chú ý là lượng người kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 20 nghìn người. Điều đó cho thấy chợ đang là "nguồn sống" của rất nhiều người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế việc đầu tư, khai thác, kinh doanh và quản lý chợ để phát huy hiệu quả của các chợ là vấn đề cần được quan tâm.
Chuyển đổi như thế nào
Nhu cầu từ chính người dân cũng cho thấy rất cần phải có một mô hình quản lý chợ hiệu quả hơn, song chuyển đổi như thế nào lại đang là sự băn khoăn, thắc mắc của không ít người. Vì vậy, Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được ban hành đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dân.
Bà Phạm Thị Rỗng, tiểu thương chợ Chớp (Yên Mô) cho biết: Chúng tôi buôn bán ở chợ Chớp được hơn 20 năm nay, nếu Nhà nước có chủ trương mở rộng hay xây dựng lại chợ theo mô hình mới, chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng trước khi thực hiện cần phải họp dân để thông báo sự việc và cho chúng tôi tham gia ý kiến.
Còn đối với các tiểu thương chợ Nam Dân (Kim Sơn), sau khi nghe thông báo trên đài truyền thanh về kế hoạch bàn giao đất cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Kim Phát thực hiện dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp chợ Nam Dân, bà con đã có nhiều ý kiến đóng góp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Bà Trần Thị Yến, tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Nam Dân băn khoăn: Phương án xây dựng chợ được đề ra khá "hoành tráng" với tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng khiến nhiều hộ dân lo ngại. Bởi trong thời điểm hiện tại, kinh tế khó khăn, mức tiêu dùng của người dân đã giảm, lời lãi hàng ngày từ việc kinh doanh tại chợ chẳng đáng là bao. Với mức thu phí hơn 1 triệu đồng/năm mà rất nhiều bà con đã thấy "khó" rồi, nếu phải thuê giá cao hơn nữa thì sớm muộn chúng tôi cũng phải tính tới việc có tiếp tục kinh doanh nữa hay không.
Ông Phạm Văn Ngọc, quyền Trưởng Ban quản lý chợ Nam Dân nói: chúng tôi mong muốn được hiểu rõ hơn việc định giá tài sản, đất của chợ được xử lý như thế nào sau khi cho phép doanh nghiệp vào cải tạo và nâng cấp lại chợ. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương sớm có phương án giải quyết hợp lý nguồn lao động dư thừa từ việc chuyển đổi mô hình ban quản lý sang mô hình doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Như vậy, có thể thấy việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đang đặt ra vấn đề làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội của các chợ, đồng thời phải bảo đảm chế độ, quyền lợi của người lao động thuộc ban, tổ quản lý chợ và quyền lợi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh tại chợ. Quy trình chuyển đổi cũng yêu cầu phải đảm bảo công khai, minh bạch theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã giải đáp phần nào những băn khoăn của hàng nghìn tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ.
Quyết định này nêu rõ các bước thực hiện chuyển đổi gồm: Thành lập Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ ở cấp tỉnh và huyện; xây dựng, thẩm định, phê duyệt, kế hoạch và phương án chuyển đổi, đồng thời công khai các phương án này; tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ…
Kế hoạch chuyển đổi phải phù hợp với kế hoạch phát triển KT- XH ở địa phương và cho thấy được phương thức chuyển đổi, thời gian, nội dung công việc phải thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể. Đặc biệt, phương án chuyển đổi phải đảm bảo các nội dung chủ yếu như đánh giá đúng tình hình hiện trạng của chợ, thực hiện việc kiểm kê, xác định lại toàn bộ tài sản, nguồn vốn đầu tư, công nợ và những vấn đề khác; hình thức thực hiện giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất sau khi chuyển đổi; phương thức tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ sau chuyển đổi; phương án bố trí, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động thuộc Ban quản lý cũ…
Quyết định số 18 cũng nêu, phương án chuyển đổi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp nơi có chợ chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác. UBND cấp huyện có quyền quyết định chấm dứt quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ của doanh nghiệp hoặc HTX khi không thực hiện đúng phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đã được phê duyệt.
Sở Công thương là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ cấp tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện mô hình quản lý chợ với sự tham gia của doanh nghiệp hay các hợp tác xã... chúng ta mới có điều kiện huy động nguồn lực tài chính để đầu tư, nâng cấp các chợ (vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở chợ). Đặc biệt là với cách làm này sẽ gắn được trách nhiệm, quyền lợi của đối tượng tham gia nhằm khai thác, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển mạnh hơn nữa. Hiện nay, Sở Công thương đã lập kế hoạch làm việc với UBND các huyện, thành phố, thị xã để nắm tình hình thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng chợ, để hỗ trợ, hướng dẫn về chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã rất rõ ràng, song thiết nghĩ việc chuyển đổi phải được tiến hành khẩn trương nhưng thận trọng, từng bước vững chắc, đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ và phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy việc tổ chức chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng cũng là điều cần thiết.
Duy Hiền