Năm nay, cụ bà Lê Thị Ghi ở thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân đã 88 tuổi. ở cái tuổi xưa nay hiếm song cụ Ghi vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Có lẽ những vất vả trong suốt những tháng năm dài làm nghề đá đã rèn luyện cho cụ có một sức khỏe tốt. Cụ cười hiền rồi kể cho chúng tôi nghe về một thời làm nghề nhiều gian khó. Theo cụ Ghi, nghề đá ở Ninh Vân đã có từ cách đây hơn 400 năm, là nghề cha truyền con nối. Ngày ấy, gia đình cụ Ghi rất nghèo. Cụ thân sinh ra cụ Ghi là một thợ đá tài hoa. Cụ sinh được 4 người con, hai trai, hai gái. Cụ Ghi là 1 trong hai người con gái ấy.
Tuy là thân nữ nhi, nhưng từ nhỏ cô bé Lê Thị Ghi lại rất mê các sản phẩm từ đá. Cô có thể say sưa ngồi hàng giờ chỉ để ngắm nhìn cha mình tỉ mẩn từng đường nét chạm trổ trong khối đá thô sơ và cô thấy bàn tay cha thật kỳ diệu.
Khối đá thô sơ dần lộ nét là một sản phẩm tinh xảo. Kỹ năng biến hóa ấy khiến cô thích thú và xin cha cho học. "Ban đầu, cha tôi không đồng ý vì nghề làm đá rất vất vả. Phải là người đàn ông có sức vóc thì mới có thể kiếm sống từ cái nghề nặng nhọc này. Song trước quyết tâm của tôi, cha tôi đành đồng ý, nhưng chỉ truyền dạy cho tôi những kỹ thuật đơn giản với suy nghĩ sự đơn điệu ấy sẽ khiến tôi chán mà từ bỏ ý định học nghề"- cụ Ghi nhớ lại.
Nhưng những vất vả, khó khăn ấy không làm cô gái trẻ nhụt chí mà ngược lại cô tự mày mò, sáng tạo ra những cách làm phù hợp với sức vóc phụ nữ mà sản phẩm vẫn đạt được độ tinh xảo hiếm có.
Lớn lên, cô gái trẻ Lê Thị Ghi lập gia đình với một chàng trai người cùng xã. Có với nhau 4 người con, chồng bà đi làm ăn xa, để mình bà tần tảo nuôi con ở quê nhà.
Vậy là, với bà Ghi làm đá không chỉ đơn thuần là vì niềm đam mê điêu khắc nữa mà còn gửi gắm ở đó cả một nỗi lo cơm áo gạo tiền. Người phụ nữ nhỏ bé ấy lại miệt mài với nghề để lấy tiền nuôi con. "Làm đá đã vất vả, người phụ nữ làm đá thì nỗi vất vả ấy nhân lên gấp bội.
Thời xưa, để mang được những khối đá từ núi về làng rất vất vả, kỳ công. Người ta phải vận chuyển hoàn toàn dựa vào sức người chứ không có máy móc hiện đại như ngày nay.
Người thợ đá trong làng thường lấy đá từ ngọn núi cách làng 2km, sau hàng tháng trời tách đá trên núi, còn phải đợi đến mùa nước nổi mới kết bè gỗ chở được đá về làng. Đưa được đá về làng là bắt đầu lao vào mài, đục mà chẳng kể ngày đêm.
Các sản phẩm chủ yếu là mặt hàng dân dụng theo đơn đặt hàng của khách. Làm chăm chỉ, mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài bơ gạo nuôi con"- cụ Ghi nói.
Được nuôi dưỡng trong "cái nôi" của nghề làm đá mỹ nghệ, con trai của cụ Ghi là ông Đỗ Khắc Thái cũng đam mê cái nghề nhọc nhằn ấy từ khi nào chẳng rõ. Ông Thái nói: Thực ra, ở Ninh Vân có rất nhiều gia đình có truyền thống làm nghề đá. Cứ đời nọ kế tiếp đời kia như một sự trao gửi đầy đam mê, trách nhiệm. Gia đình tôi cũng có 5 đời làm nghề đá.
Và điều đặc biệt, là niềm tự hào của anh em tôi đó là mẹ tôi- một phụ nữ nhỏ bé cũng lại là một người thợ đá. Bà đã vất vả nuôi nấng chúng tôi bằng chính nghề đá lam lũ này. Nhiều khi, nhìn bàn tay chai sần của mẹ mà tôi xót xa lắm.
Còn nhớ, ngày tôi còn nhỏ, có những buổi tối trời đầy sao, mấy anh em vẫn ngồi quây quần xem mẹ chạm khắc đá. Trời mùa đông mà trán mẹ vẫn mướt mồ hôi. Những lúc ấy, tôi thầm mong mình lớn thật nhanh, rồi tôi sẽ làm nghề thay mẹ. Và cũng chẳng biết tự lúc nào, tôi cũng say cái nghề của mẹ khi nhìn mẹ biến khối đá thô sơ thành những sản phẩm tinh tế, có hồn.
Đến năm tôi 15 tuổi, mẹ tôi mới đồng ý cho tôi bắt đầu học nghề làm đá. Đầu tiên, mẹ tôi chỉ bảo cho tôi cách mài dao, đục, nhưng không phải chỉ 1, 2 ngày mà cả tháng đó tôi chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ này. Lúc đó tôi rất buồn vì nghĩ rằng mẹ đang "làm khó" mình.
Sau này, khi đã trở thành một thợ đá lành nghề, thì tôi mới hiểu, muốn trở thành một người thợ giỏi, thì trước hết phải giỏi mài dao, mài đục đã. Với cách truyền nghề nghiêm khắc đó, mà Ninh Vân đã có những lớp thợ đá rất giỏi.
"Ngày ấy, cả xã mới chỉ có 2 thôn là thôn Hệ và thôn Xuân Vũ làm nghề. Những người biết nghề đều gia nhập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Thạch Sơn. Để được vào HTX, người thợ đã phải trải qua những bài kiểm tra khắt khe, vì vậy tay nghề của các thợ đá trong HTX Thạch Sơn vang danh khắp thiên hạ.
Tuy nhiên, những sản phẩm bấy giờ mới chỉ là cối giò, cối giã trầu, bát hương… Những sản phẩm này làm hoàn toàn bằng thủ công nên có những nét tinh xảo đặc trưng, được nhiều người yêu thích. Nhưng cuộc sống có nhiều đổi thay đòi hỏi người thợ cũng phải thường xuyên cập nhật những kỹ thuật mới, có sự sáng tạo không ngừng để tạo ra các sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cũng như bao thế hệ thợ đá, tôi cũng phải miệt mài học tập, sáng tạo để tạo được ấn tượng trong từng sản phẩm của mình"- ông Đỗ Khắc Thái nói. Và sau nhiều năm lăn lộn với nghề, năm 2015 ông Thái đã được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân. Không chỉ tập trung nâng cao kỹ thuật tay nghề, ông Thái còn nhận nhiều công nhân vào đào tạo nghề. Những lao động ấy người thì cùng quê, cũng có người ở xa nghe tiếng về tay nghề của ông Thái mà tìm đến xin học.
Hơn cả việc truyền dạy cho học trò những kỹ thuật cơ bản về một nghề để kiếm sống, ông Thái còn truyền cho họ niềm đam mê, sự yêu thích đặc biệt đối với nghề điêu khắc đá này. Anh con trai duy nhất của ông Thái là Đỗ Khắc Minh năm nay 26 tuổi, nhưng đã được cha định hướng cho nối nghiệp nghề thợ đá. Đỗ Khắc Minh đi theo cha làm công trình ở khắp nơi và không ngừng tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá.
Vậy nhưng "chẳng có kỹ thuật cao siêu nào có thể làm nên một sản phẩm tuyệt mỹ nếu như người thợ không có sự rung cảm đặc biệt trong trái tim và một niềm đam mê mãnh liệt với nghề. Suy cho cùng, không phải là kỹ thuật, không phải là công nghệ mà phải là con người- họ mới chính là linh hồn của đá"- anh Đỗ Khắc Minh nói.
Trong tháng 7 này, ông Thái và tốp thợ đã hoàn thành Đài tưởng niệm liệt sỹ cho một địa phương ở tỉnh Thái Bình. "Tôi đã đi nhiều nơi và làm nhiều công trình, song đây là lần đầu tiên tôi nhận công trình là Đài tưởng niệm liệt sỹ. Công trình khởi công từ cuối năm ngoái và phấn đấu hoàn thành vào dịp đặc biệt 27/7 năm nay.
Ngoài trách nhiệm ràng buộc bởi hợp đồng, chúng tôi còn làm bằng cả trái tim, sự tri ân đối với các liệt sỹ. Thời điểm này công trình đã hoàn thành, đây cũng là nén tâm nhang chúng tôi thành kính dâng lên các Anh hùng liệt sỹ"- ông Thái xúc động nói.
Bài, ảnh: Đào Hằng