Hòa vào dòng người về dâng hương tại chùa Non Nước và Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, sau khi dâng nén hương thơm, bày tỏ tấm lòng và nguyện cầu những mong ước cho một năm mới, vợ chồng anh Nguyễn Đình Chính (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) còn dành thời gian đưa hai con trai đi vãn cảnh chùa, giảng giải cho các con hiểu về ý nghĩa của phong tục lễ chùa đầu năm cũng như lịch sử của ngôi chùa, thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Chị Ngân, vợ anh Chính chia sẻ: Thường trẻ con theo bố mẹ đi lễ chùa hay tò mò muốn tìm hiểu mọi điều xung quanh địa điểm chúng được đến. Vậy nên hai vợ chồng tôi tranh thủ tìm hiểu kiến thức lịch sử để giảng giải cho các con hiểu. Đặc biệt, cậu cả nhà mình đang là học sinh trường THCS Trương Hán Siêu nên cháu càng muốn được hiểu thêm về tên của ngôi trường mình đang học.
Có mặt tại nhiều ngôi chùa, nhiều di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Ninh Bình, điều dễ nhận thấy là lượng người về dâng hương, chiêm bái những ngày đầu năm rất đông. Trong không khí trang nghiêm, cổ kính của các ngôi chùa, di tích lịch sử… là cơ hội để mỗi người tìm thấy sự thanh thản, yên lành trong tâm hồn. Chẳng vậy mà với nhiều người, lễ chùa đầu năm như là một sự tìm về nguồn cội, tìm về chốn bình yên trong tâm hồn.
Tại các vùng quê trong tỉnh, hầu như mỗi địa phương đều có những ngôi chùa, di tích lịch sử gắn liền với lịch sử của vùng đất. Đây cũng là những địa điểm thu hút người dân địa phương tìm về trong dịp năm mới. Bà Bùi Thị Định (xã Khánh Hội, Yên Khánh) cho biết: Gần nơi tôi sống là ngôi chùa Lê cổ kính, mang đậm truyền thống lịch sử của địa phương nên mỗi dịp Tết, người dân trong xã đến lễ chùa, thành kính dâng nén hương thơm và vãn cảnh chùa rất đông. Mỗi người đến chùa, tùy vào điều kiện của gia đình, bản thân mà chuẩn bị lễ dâng Phật. Nhà có điều kiện thì chuẩn bị mâm lễ với đầy đủ tiền vàng, hương thơm, hoa quả, tờ sớ. Có người chỉ với một nén hương thơm và tấm lòng thành cũng đủ để thỏa ước nguyện đầu năm mới. Nét đẹp trong việc đi lễ chùa đầu năm mới là người nào cũng ăn mặc quần áo gọn gàng, sạch đẹp, giữ thái độ hòa nhã, đi lại nhẹ nhàng, nói năng chừng mực. Hiếm khi bắt gặp cảnh ăn to nói lớn, phát ngôn những câu thiếu văn hóa, ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác… nơi chùa chiền đầu năm mới. Đó cũng là một nét đẹp trong việc đi lễ chùa đầu năm, được nhiều gia đình răn dạy, truyền lại cho con cháu.
Đi lễ chùa đầu năm mới tại nhiều đình, chùa, di tích lịch sử… trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là việc thực hiện nếp sống văn minh đang dần được hình thành, được nhiều người dân đón nhận. Hầu như tại các địa điểm không còn tình trạng thắp hương tràn lan mà mỗi ban thờ đều được bố trí thắp hương vòng, cắm hoa tươi, có biển nhắc nhở người dân không tự ý thắp hương. Vào chùa, nhiều người đã có ý thức để giầy dép bên ngoài, thầm cầu khấn những điều mong ước… Mấy năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều người còn mang muối, diêm để bán ngay trước cổng đình, chùa. Với quan niệm "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", nhiều người đã bỏ ra chút tiền lẻ, mua một vài gói muối nhỏ, bao diêm với thiện ý vị mặn của muối còn có thể chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình, bao diêm được ví như ngọn lửa, màu đỏ đem lại sự may mắn. Bên cạnh những nét đẹp văn hóa trong việc đi lễ chùa đầu năm, vẫn còn một số hình ảnh khiến nét đẹp lễ chùa giảm bớt đi ít, nhiều. Vẫn còn nhiều người đến chùa đặt tiền lẻ ở khắp mọi nơi có thể đặt. Có những gia đình, vào chùa nhưng lại chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi lễ chùa khi chuẩn bị cả lễ mặn. Vàng mã vẫn được đốt nhiều vừa gây lãng phí lại ảnh hưởng đến môi trường…
Theo đại đức Thích Thanh Dân, trụ trì chùa Cổ Loan, Phó Chủ nhiệm Hội Từ thiện Minh Tâm (thành phố Ninh Bình): Lễ chùa đầu năm là một phong tục đẹp trong nhiều phong tục, truyền thống văn hóa của người Việt. Lên chùa dịp năm mới ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh cầu cho gia đình một năm mới mạnh khỏe, bình an, công việc suôn sẻ, gia đình hạnh phúc, còn có ý nghĩa là một cuộc xuất hành đầu tiên của năm, tạo cho con người một tinh thần thoải mái sau một năm làm việc vất vả. Do đó, không cần "mâm cao cỗ đầy", chỉ cần một tấm lòng thành khi lên chùa, thưởng ngoạn ngắm cảnh nơi cửa Phật thanh tịnh là mỗi người đã đem lại cho bản thân sự yên bình, thanh thản trong tâm hồn.
Lý Nhân