Cụ thể, kết quả thu tài chính công đoàn hàng năm đều tăng, nhất là kinh phí công đoàn khối hành chính sự nghiệp (hạn chế tình trạng nộp chậm, muộn, không đủ) đến nay hầu hết các đơn vị đều thực hiện khá tốt và từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo theo đúng quy định.
Tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn ngày càng tăng (năm 2013 có 23 đơn vị, doanh nghiệp nộp và thực hiện báo cáo quyết toán; đến năm 2017 đã thu được ở 41 đơn vị); hạn chế tình trạng thất thu kinh phí công đoàn ở những đơn vị có tổ chức Công đoàn.
Các khoản chi cơ bản bám sát dự toán giao; đảm bảo chế độ, định mức quy định; hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn đã được nâng lên; kinh phí hoạt động cho CĐCS được cấp đầy đủ, kịp thời. Số đơn vị không nộp quyết toán giảm, thẩm quyền và trách nhiệm của LĐLĐ thành phố trong công tác tài chính công đoàn đã được xác định rõ; khắc phục sự thụ động, trông chờ và cơ chế xin cho trong hoạt động tài chính công đoàn.
Để có được những kết quả đó, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đã tổ chức các lớp tập huấn về tài chính công đoàn cho CĐCS và mời người sử dụng lao động, kế toán đơn vị dự để tuyên truyền, vận động, cung cấp văn bản tài liệu về trích nộp kinh phí công đoàn; thành lập Đoàn đi đôn đốc theo thông báo việc trích nộp kinh phí công đoàn gửi trước cho các đơn vị và CĐCS.
Chỉ đạo các CĐCS tham gia với chuyên môn đề nghị trích đủ 2% kinh phí công đoàn đảm bảo theo quy định. Chủ động làm việc với lãnh đạo đơn vị có khó khăn, vướng mắc trong quá trình trích nộp. Tập trung đôn đốc bằng nhiều giải pháp để khai thác các nguồn thu đảm bảo đạt kế hoạch tỉnh giao.
Hàng năm, thực hiện Công văn 149 của UBND tỉnh về đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và công đoàn, LĐLĐ thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Nghị định 191/NĐ-CP.
Chủ động đề xuất với UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, phường phối hợp với tổ chức Công đoàn để kiểm tra, khảo sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ cơ quan, ủy viên BCH có khả năng thuyết phục cao trực tiếp đi triển khai văn bản tới từng doanh nghiệp, tiếp cận, làm việc trực tiếp với người sử dụng lao động về thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn theo đúng luật định.
Đối với những đơn vị cố tình không thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn, LĐLĐ thành phố tổng hợp báo cáo về LĐLĐ tỉnh để đưa vào danh sách của đoàn thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động.
Đồng thời LĐLĐ thành phố cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với Chi cục Thuế, Kho bạc về việc thu kinh phí công đoàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Phân công trách nhiệm phối hợp cụ thể giữa các đơn vị, 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm. Hàng quý, Chi cục Thuế thành phố thông tin kiểm tra thuế các doanh nghiệp trên địa bàn về những nội dung liên quan đến thu kinh phí công đoàn cho LĐLĐ thành phố. BHXH cung cấp số liệu về quỹ lương đóng BHXH, số lao động, số kinh phí mà doanh nghiệp đã trích đóng BHXH. Hàng tháng, Kho bạc thực hiện phối hợp chi lương cho CBCCVC ở các cơ quan, đơn vị cùng với trích đóng kinh phí công đoàn.
Hàng năm, trích kinh phí khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân đạt thành tích cao, có đóng góp trong việc thu, nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn.
Hiện nay, để quản lý việc đóng kinh phí công đoàn của các đơn vị được công khai, minh bạch, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam về nguồn thu và phân phối kinh phí công đoàn thông qua tài khoản ngân hàng một cách nhanh và thuận tiện, qua 3 tháng triển khai, bước đầu đã có 10,7% doanh nghiệp thực hiện.
Đào Duy