Đồng chí Trương Thị Lan Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Hiện nay, LĐLĐ huyện Nho Quan quản lý gần 6.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); trong đó khối hành chính sự nghiệp chiếm 64,8%, còn lại là lao động trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu đội ngũ CNVCLĐ có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ viên chức trong các ngành giáo dục, y tế, công nhân lao động trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, ngành dịch vụ; giảm tỷ lệ công nhân trong khu vực kinh tế nhà nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa; đội ngũ công nhân lao động làm việc có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và trình độ tay nghề được nâng lên… Cùng với đó, huyện Nho Quan cũng đã có cơ chế, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trên địa bàn; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề và giải quyết việc làm, từ đó cơ bản đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức và người lao động, LĐLĐ huyện đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động như: Việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phối hợp tổ chức các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với CNVCLĐ và các chủ doanh nghiệp; tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn. Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ huyện đã phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát tại 42 doanh nghiệp, kịp thời phát hiện yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác lao động, tiền lương. Các CĐCS cũng thường xuyên nắm tình hình đời sống, việc làm, tư tưởng, nguyện vọng của người lao động, tham gia cùng các cơ quan chức năng đôn đốc chủ sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.
Các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp với chính quyền và thủ trưởng cơ quan, chủ sử dụng lao động tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động. Hàng năm, 100% các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, 70% các doanh nghiệp đều tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động, qua đó phát huy tinh thần làm chủ của CNVCLĐ trong việc tham gia xây dựng cơ quan, doanh nghiêp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển. Đến nay, có 8/14 doanh nghiệp có CĐCS ký và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với những điểm có lợi cho người lao động, như thỏa thuận về nâng lương, thêm tháng lương thứ 13, thưởng Tết, hỗ trợ xăng xe, đào tạo tay nghề, trợ cấp khó khăn, rủi ro, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ… Đồng thời triển khai thực hiện tốt "Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ" và "Tháng an toàn vệ sinh lao động". 5 năm qua, LĐLĐ huyện đã tổ chức 5 lớp tập huấn, 20 hội nghị tuyên truyền, cấp phát hàng nghìn tranh cổ động, tờ rơi tại các đơn vị tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, dễ gây tai nạn lao động, cháy nổ, góp phần xây dựng môi trường lao động an toàn.
Việc chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động và các hoạt động xã hội được công đoàn các cấp quan tâm, thực hiện tốt, tập trung vào việc thăm hỏi, giúp đỡ vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. 5 năm qua, các cấp công đoàn đã thăm hỏi, tặng quà cho 1.176 lượt CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp "Tết sum vầy", "Tháng công nhân"; trợ cấp cho đoàn viên công đoàn mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, bệnh trọng… với tổng số tiền gần 490 triệu đồng. Tham mưu, hỗ trợ tặng nhà "Mái ấm công đoàn" cho 3 đoàn viên công nhân có hoàn cảnh khó khăn số tiền 75 triệu đồng. LĐLĐ huyện đã hướng dẫn các CĐCS doanh nghiệp phối hợp với chủ sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Đến nay, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức bữa ăn ca hoặc hỗ trợ tiền ăn ca với mức từ 15-22 nghìn đồng/suất. Tiêu biểu như Công ty cổ phần công nghiệp Hà Nam Ninh, Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú, Công ty cổ phần may Văn Phú…
Đồng chí Trương Thị Lan Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Nho Quan cho biết thêm: Nhờ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, việc làm cho CNVCLĐ, đến nay phần lớn người lao động trong huyện có việc làm và thu nhập ổn định. Điều kiện làm việc của cán bộ, CNVCLĐ ngày càng được nâng lên, môi trường làm việc được cải thiện, không để xảy ra các vụ tai nạn lao động... Đặc biệt, đối với nữ CNVCLĐ luôn được quan tâm chăm lo về mọi mặt. Các chính sách đối với lao động nữ như khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản, ốm đau được các cấp công đoàn trên địa bàn huyện phối hợp quan tâm thực hiện đầy đủ. Hoạt động của Ban nữ công tại các CĐCS thường xuyên được củng cố, kiện toàn, là địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, gia đình, nuôi dạy con cái. Hàng năm có trên 80% nữ CNVCLĐ được công nhận đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"… Đến nay, mức lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp đạt bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, LĐLĐ huyện Nho Quan tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ đoàn viên công đoàn bằng việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức công đoàn; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn; tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp…; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của CNVCLĐ trong huyện.
Hạnh Chi