Không còn cảnh phải khăn gói đi làm ăn xa sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán như những năm trước, bởi hiện nay, chị Bùi Thị Dung, 42 tuổi, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) có thể tìm được việc làm ngay tại quê hương mình. "Tôi làm công nhân cho Công ty TNHH sản xuất Giày Chung Jye với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. Có việc làm ở gần nhà, tôi có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái nên rất yên tâm. ở tuổi tôi, tìm được việc làm ổn định thực sự là rất khó, bởi không có nhiều công ty tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi"- chị Dung nói.
Những năm qua, tỉnh ta đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Ninh Bình nhằm tạo việc làm cho người lao động… Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động trên 20 nghìn người, trong đó lao động địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Tỷ lệ lao động chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng, vì vậy mức lương đã cải thiện đáng kể so với những năm trước.
Tỉnh ta cũng đã tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó lựa chọn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, phân bón. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ: sản xuất, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày...; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch và nông thôn mới: Nghề thêu ren Ninh Hải, Hoa Lư, làng nghề đá truyền thống Ninh Vân, đan cói Kim Sơn... là những ngành sử dụng nhiều lao động để thu hút lao động từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Cùng với đó, những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước đưa chính sách việc làm đến với người lao động, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Theo đó, ngành đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương trong việc giải quyết việc làm cũng như đối với người lao động trong việc chủ động tạo việc làm, tìm kiếm việc làm.
Trong năm 2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền về công tác lao động - việc làm cho 1.956 người, cho các đối tượng thành phần trong xã hội thực hiện tuyên truyền các mô hình giải quyết việc làm có hiệu quả, giúp người lao động biết, trao đổi học tập kinh nghiệm trong thực hiện sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Đặc biệt, nhằm tạo cơ hội để người lao động hướng đến những nghề có kỹ thuật, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hơn, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng tới công tác đào tạo nghề nghiệp, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã phân bổ hàng chục tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách của tỉnh) hỗ trợ lao động nông thôn cho các huyện, thành phố, các hội đoàn thể cấp tỉnh có cơ sở dạy nghề và cơ sở dạy nghề đặc thù của tỉnh (đơn vị được giao nhiệm vụ dạy nghề)…
Với nỗ lực đó, bình quân mỗi năm tỉnh Ninh Bình thực hiện đào tạo nghề cho trên 17.000 lao động. Riêng năm 2019, đào tạo nghề cho 17.300 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%. Sau khi được đào tạo, người lao động được bố trí việc làm hoặc tự tạo việc làm. Nguồn quỹ cho vay đạt hiệu quả cao, không có vốn tồn đọng, vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm trung bình mỗi năm cho trên 2.000 người.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động phục vụ việc cung ứng nhân lực, tìm kiếm việc làm, tuyển dụng và đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường.
Năm 2019, đã thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động của 2.514 doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi phần cung lao động của 60.064 hộ gia đình trên toàn tỉnh. Việc thực hiện tốt hoạt động cập nhật thông tin cung - cầu lao động đã góp phần cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ và phục vụ cho hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm (năm 2019 đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại các huyện, thành phố) nhằm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, người lao động và trung tâm dịch vụ việc làm trong việc cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đã có hàng nghìn lượt lao động tìm được các vị trí việc làm phù hợp khi tham gia giao dịch qua Trung tâm dịch vụ việc làm.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến rõ nét. Tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.050 người, đạt 103,4% kế hoạch năm (trong đó có 1.524 người đi xuất khẩu lao động).
Với việc làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động đặc biệt là lao động vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.
Bài, ảnh: Đào Hằng