Đi nước ngoài như... đi chợ Trước đây, người dân xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) sống phụ thuộc hoàn toàn vào đồng ruộng và những mớ cá, con tôm trong hồ, trong đập. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng quanh năm. Để phát triển kinh tế ở miền đất cằn ấy thật không dễ dàng gì. Thế rồi năm 1996, Thạch Bình có người đầu tiên đi xuất khẩu lao động "chui" sang Trung Quốc. Từ đó, số lao động tham gia trái phép vào thị trường này ngày càng tăng, tính đến tháng 6/2015, toàn xã đã có hơn 300 người đang làm việc ở Trung Quốc. Thậm chí có thôn, hầu như nhà nào cũng có người đi theo "tiếng gọi" của đồng nhân dân tệ. Theo báo cáo của UBND xã Thạch Bình, 100% số lao động này nhập cảnh vào Trung Quốc bằng hình thức trái phép, và 99% trong số họ sang Trung Quốc bởi nhu cầu việc làm.
Ông Vũ Dũng, trưởng Công an xã Thạch Bình cho biết, khi nắm được thông tin trên địa bàn xã có tình trạng đi lao động bất hợp pháp, địa phương đã đến từng nhà đối tượng để vận động, phân tích để họ và gia đình hiểu tác hại của xuất cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền để họ nắm được chính sách về xuất khẩu lao động hợp pháp. Từ đó, tư vấn, định hướng cho họ lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Song, hầu hết lao động đều đưa ra băn khoăn về mức phí phải đóng khi tham gia xuất khẩu lao động hợp pháp hiện nay vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. "Trong khi đó, nếu đi "chui", ngoài chi phí thấp, thì thủ tục lại đơn giản, nhanh gọn hơn. Sang bên đó không có nhiều ràng buộc, khỏe thì làm mệt thì nghỉ, muốn đi đâu thì đi, làm việc gì thì làm... bởi thế mà hành trình: đi - bị bắt trả về rồi lại đi, lại bị trả về… vẫn cứ tiếp diễn. Mọi nỗ lực của địa phương vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi" - Ông trưởng Công an xã than thở.
Rồi ông Vũ Dũng đưa chúng tôi đến tận nhà để gặp gỡ với những người có… thâm niên đi lao động "chui" sang Trung Quốc. Thực ra, như ông Vũ Dũng nói thì từ "thâm niên" mà ông sử dụng không phải để nói về thời gian mà người lao động lưu lại Trung Quốc, mà nó thể hiện ở số lần đi "chui" sang Trung Quốc của người lao động. Và dĩ nhiên, đồng hành với số lần "đi" ấy cũng chính là số lần "về".
Người đầu tiên chúng tôi gặp đó là ông Bùi Văn Thuận, 49 tuổi ở thôn Tân Thành, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan). Nhìn nhân vật rất quen,tôi sực nhớ là đã từng làm việc với ông năm 2013, khi ông vừa trở về quê sau 1 tháng bị Công an Trung Quốc bắt giam vì nhập cảnh trái phép. Sau 2 năm, ông Thuận già đi nhiều, khuôn mặt cũng thêm khắc khổ. Tỏ rõ sự e ngại, ông Thuận bảo, thực ra, làm việc mà phải trốn chui, trốn lủi thì ông cũng hoang mang lắm, nhất là những lần bị bắt tạm giam. Nhưng ở quê, ông cũng xoay sở đủ kiểu rồi, vẫn khó sống lắm. Vợ chồng ông có hai đứa con, chúng đang tuổi ăn tuổi học. Vợ ông thì bị hỏng một mắt, thị lực kém nên cũng chẳng làm được việc gì. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình chỉ biết trông vào 5 sào ruộng khoán nên cuộc sống hết sức khó khăn. Để có tiền lo cho gia đình, ông Thuận đã phải đi làm ăn xa. Thôi thì thợ xây, làm đá, làm mộc… ông đều đã làm nhưng cũng chẳng đủ để lo cho gia đình. Vậy là ông lại vay mượn hơn 6 triệu đồng để tìm đường sang Trung Quốc. "Thế nhưng cũng chỉ làm được hơn một tháng là tôi bị công an Trung Quốc bắt và trục xuất về nước. Cũng may mà trước khi bị bắt tôi đã kịp lĩnh tháng lương đầu tiên được 2000 NDT. So với lần bị bắt năm 2013 thì coi như lần này tôi may mắn hơn"- ông Thuận than thở.
Còn đối với anh Bùi Văn Toàn ở thôn Lạc Bình 2 thì đây cũng là lần thứ 2 anh trở về nước sau khi đi xuất cảnh "chui" sang Trung Quốc. Anh kể, năm 2010 anh theo người bà con sang Trung Quốc làm công nhân cho một nhà máy sản xuất nhựa. Công việc tuy vất vả, nhưng đổi lại anh cũng kiếm được chút tiền kha khá để gửi về cho gia đình. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", chưa kịp hưởng lương tháng thứ 3 thì anh bị trục xuất về nước sau một lần xí nghiệp bị cảnh sát kiểm tra. Về quê được một thời gian, anh Toàn lại đi tìm việc. Chẳng nề hà kén chọn việc lớn, việc nhỏ, ai thuê gì anh Toàn làm nấy cũng kiếm được gần 100 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc không ổn định. Có thời điểm, anh "ngồi chơi xơi nước" cả… tháng trời. Anh Toàn tâm sự, ở quê tôi không có doanh nghiệp nào, bởi thế, muốn làm công nhân thì phải xuống tận KCN Gián Khẩu. Tôi đã thử việc ở một công ty may với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Xa nhà, tôi phải ở trọ. Mỗi tháng trừ tiền nhà, tiền ăn uống… tằn tiện lắm cũng chỉ dư được 1 triệu cho gia đình. Khoản tiền này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của 3 đứa con đang tuổi đến trường. Đến năm 2014, anh Toàn nghỉ việc và lại bắt đầu cuộc phiêu lưu sang Trung Quốc. "Lần này, tôi không may mắn như lần trước. Tôi được nhận vào làm cho một doanh nghiệp chuyên nấu nhựa, thời gian làm việc từ 12-14 tiếng/ngày. Công việc vất vả, thu nhập không ổn định, lại suốt ngày lo bị cảnh sát bắt nên tôi sinh bệnh. Tiền làm chẳng đủ tiền thuốc men, đầu năm 2015 tôi tình nguyện về nước. Nhưng về rồi lại phải đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Thực sự, hiện nay tôi vẫn chưa tìm ra được hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình" - anh Toàn nói.
Vỡ mộng làm giàu
Tìm hiểu kỹ về thực trạng lao động đi xuất khẩu trái phép ở Thạch Bình, chúng tôi nhận thấy một thực tế là không phải chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn mới tìm đến "hạ sách" là… xuất khẩu lao động "chui". Trong số trên 300 lao động nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc cũng có không ít người hoàn cảnh kinh tế gia đình ổn định, song vẫn muốn thử vận may đổi đời ở miền đất lạ. Chỉ có điều, trong số họ, không có mấy người đạt được ước mơ đó.
Tìm đến thôn Phú Thịnh, hỏi thăm vào nhà anh Vũ Văn Kiên thì ai cũng biết, bởi anh Kiên là một trong 4 lao động nhập cảnh trái phép bị trục xuất về nước từ đầu năm tới nay. Đến nhà anh Kiên, chúng tôi khá ngạc nhiên trước cơ ngơi mà vợ chồng anh có được. Ngôi nhà nằm ở ngay mặt trục đường trung tâm dẫn về UBND xã, rất rộng rãi và được xây dựng khang trang. Anh Kiên đang lấm lem dầu mỡ để sửa xe máy cho khách. Tạm dừng tay, vừa pha trà mời khách, anh Kiên tâm sự, khách đến với cửa hàng khá đều. Mỗi tháng, nghề sửa xe cũng mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập từ 4-6 triệu đồng. Vợ anh thì làm nghề thợ may, công việc và thu nhập khá đều đặn.
"Thu nhập của vợ chồng tôi chưa phải đã cao, song khá ổn định. Khi nhà tôi nói muốn đi Trung Quốc làm việc thì tôi cũng can ngăn vì thực tế ở địa phương đã có nhiều người bị bắt trả về. Cũng có người lâm vào cảnh bi đát khi trở về. Nhưng nhà tôi nói, nếu quá khó khăn thì đã không có nhiều người đi đến vậy. Hẳn là vẫn có hy vọng đổi đời nếu mình may mắn" - vợ anh Kiên giãi bày. Và rồi để thử vận may, anh Kiên hăng hái… lên đường. Và cũng như hành trình của nhiều lao động khác, anh Kiên đến được Trung Quốc và làm việc trong một công ty sản xuất nhựa. Công việc khá nặng nhọc nên anh Kiên được hứa sẽ trả lương 2.500 NDT/tháng. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", mới làm được hơn chục ngày, anh Kiên và 14 lao động Việt Nam khác đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt, bị giam hơn 1 tháng thì anh Kiên được về Móng Cái, trả về nước. "Có sang đó làm việc mới thấy hết được cái khổ của một lao động "chui". Vừa làm công việc nặng nhọc, lại vừa phải cảnh giác, trốn tránh công an. Nhiều khi thấy tủi nhục lắm. Tôi gặp nhiều lao động người Việt ở cửa khẩu Móng Cái và ở cả công ty mà tôi làm. Hầu hết, mọi người đều nói rằng họ ra đi để tìm một cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng quả thực, nếu đi bằng hình thức trái phép, thì không những không đạt được ước mơ mà còn có nguy cơ lâm vào cảnh bi đát hơn "- anh Kiên chia sẻ.
Tuy không phải là "điểm nóng" về xuất khẩu lao động trái phép, song trên địa bàn tỉnh ta tình trạng đi xuất cảnh "chui" cũng diễn ra không ít, nhất là ở các vùng nông thôn. Ngoài Trung Quốc thì quốc gia mà người lao động trong tỉnh di cư trái phép đến nhiều nhất đó là Nga. Họ đi theo hình thức đi du lịch với thời hạn chỉ từ 1-3 tháng. Tuy nhiên, vì sang nước bạn với mục đích tìm kiếm cơ hội việc làm nên khi hết hạn lưu trú, người lao động vẫn không chịu về nước mà "lách" ở lại để tìm việc. Thường thì người lao động sẽ được các môi giới lao động giới thiệu việc làm. Giới thiệu việc xong thì phía trung gian cũng "phủi tay", không hề chịu bất kỳ trách nhiệm về người được giới thiệu việc làm.
Xuất khẩu lao động là hướng đi quan trọng, hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để thị trường xuất khẩu lao động là chìa khóa giúp người lao động nâng cao đời sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về tài chính, đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ… cho người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, để họ có cơ hội được tiếp cận với các thị trường lao động ổn định. Cùng với đó, các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ hơn về hộ tịch, hộ khẩu, kịp thời nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xuất khẩu lao động trái phép. Và quan trọng hơn cả, vì tương lai của chính bản thân và gia đình, người lao động cần phải tỉnh táo để tự chọn lựa cho mình một hướng đi phù hợp và hợp pháp.
Bài, ảnh: Đào Hằng