Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình triển khai thi công các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022
Thứ Ba, 17/05/2022, 02:21
Zalo
Sáng 17/5, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện thi công các dự án, công tác hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình triển khai thi công các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022
Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Tại thành phố Ninh Bình, đoàn đã kiểm tra hạng mục thi công đoạn qua Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (dài trên 200m), thuộc dự án đầu tư xử lý cấp bách hệ thống chống ngập úng thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Dự án có quy mô hơn 700m, tổng vốn đầu tư là 62 tỷ đồng, hiện nay công tác thi công xây lắp đã hoàn thành và thực hiện giải ngân 100% vốn; Đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ để bàn giao cho chủ đầu tư.
Tại thành phố Tam Điệp, đoàn đã tiến hành kiểm tra dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đường Ngô Thì Sỹ kết nối phường Nam Sơn và xã Quang Sơn, có chiều dài khoảng 1,8km, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ tháng 11 năm 2021, đến nay nhà thầu đã thi công hoàn thiện phần nền và móng cấp phối. Tuy nhiên, đến nay công tác thi công gặp khó khăn do trên tuyến đường có mật độ xe lưu thông lớn, nhiều nhà ở gần sát phạm vi thi công công trình, một số hộ không cho thi công đào móng cột điện và rãnh thoát nước…
Đoàn cũng đến kiểm tra công tác GPMB đối với phần diện tích 5 ha đất liền kề với nhà máy xử lý chất thải tỉnh Ninh Bình thuộc dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình. Dự án đã trình UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành thi công nhằm mục tiêu cải tạo môi trường cho thành phố Tam Điệp.
Đối với Dự án xây dựng đường vành đai cấp bách chống lũ quét thượng nguồn và bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi khó khăn thành phố Tam Điệp có tổng mức đầu tư là trên 719 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 2011 - 2025; Lũy kế số vốn giải ngân đến 30/4/2022 là trên 348 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là trên 335 tỷ đồng, ngân sách thành phố trên 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn cấp cho dự án không đảm bảo theo quyết định, vì vậy cần cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai thực hiện một số hạng mục để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án đã được phê duyệt.
Đoàn kiểm tra dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đường Ngô Thì Sỹ kết nối phường Nam Sơn và xã Quang Sơn.
Lãnh đạo thành phố Tam Điệp đã báo cáo tiến độ thực hiện các công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn. Đồng thời nêu rõ những khó khăn và kiến nghị: Hiện nay, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của thành phố Tam Điệp rất lớn, đặc biệt là nhu cầu đầu tư các dự án giao thông.
Trên địa bàn thành phố hiện đang triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I), việc triển khai thực hiện các dự án đường giao thông kết nối giao thông của thành phố với 2 tuyến đường trên có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Song, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của thành phố hết sức khó khăn, chủ yếu tập trung từ đấu giá quyền sử dụng đất. Do vậy, UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để UBND thành phố đảm bảo nguồn lực triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, UBND thành phố Tam Điệp cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh quan tâm cho UBND thành phố hưởng cơ chế đặc thù (ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu từ sử dụng đất) trong đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số khu đất UBND thành phố đã báo cáo UBND tỉnh tại Văn bản số 997/UBND-TCKH ngày 23/6/2021 với số thu dự kiến khoảng 1.755 tỷ đồng để thành phố đảm bảo nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với nguồn vốn tăng thu ngân sách tỉnh để UBND thành phố đảm bảo thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn trong năm 2022;
Đề nghị Sở Xây dựng quan tâm, bố trí cán bộ làm công tác thẩm định giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định công trình, dự án của thành phố theo thẩm quyền.
Qua thực tế kiểm tra các công trình và báo cáo, kiến nghị của UBND thành phố Tam Điệp, các đại biểu đã phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn.
Một số ý kiến cho rằng, khi điều chỉnh dự án, thành phố Tam Điệp cần xây dựng các giải pháp kỹ thuật chi tiết để đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật cho công trình. Bên cạnh đó, UBND thành phố Tam Điệp cần sớm hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để giải ngân kịp tiến độ đã cam kết.
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với thành phố Tam Điệp.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư là UBND thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, các đơn vị nhà thầu, các sở, ngành liên quan đã nỗ lực để thực hiện các dự án có vốn đầu tư ngân sách đạt chất lượng và tiến độ thi công theo đúng kế hoạch đề ra.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì giải ngân theo kế hoạch.
Các chủ đầu tư quan tâm hơn nữa công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong thi công; các ngành liên quan cùng vào cuộc quyết liệt hơn để tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành quyết định thực hiện dự án cải tạo môi trường và trồng cây xanh.
Đối với việc cắt giảm điều chỉnh dự án, đề nghị thành phố Tam Điệp phối hợp với các ngành để xây dựng phương án thực hiện theo đúng quy định.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các dự án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư quan tâm, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để quyết toán công trình.
Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh để đảm bảo đúng, đủ thủ tục hồ sơ giải ngân theo quy định của pháp luật.
* Chiều cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra về tình hình triển khai thực hiện thi công các dự án, công tác hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 tại 3 huyện; Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan.
Tại huyện Hoa Lư, đoàn đã tiến hành kiểm tra Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường trục xã, kết hợp nạo vét, kiên cố kênh tiêu xã Ninh Giang. Đây là Dự án thuộc nhóm C, là công trình giao thông đường bộ, cấp IV, với tổng mức đầu tư trên 39 tỷ đồng.
Đối với Dự án xây dựng cầu qua sông Hệ và tuyến đường dân sinh đến QL 1 tránh thành phố Ninh Bình, xã Ninh Vân, là dự án nhóm C, thuộc công trình giao thông cấp 3, tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2021-2023.
Tại huyện Gia Viễn, đoàn đã tiến hành kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông dân sinh kết hợp đường ngoài Cụm công nghiệp Gia Lập.
Đoàn tiến hành kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông dân sinh kết hợp đường ngoài Cụm công nghiệp Gia Lập.
Đây là dự án giao thông nhóm C, thuộc công trình giao thông đường bộ cấp 3, với quy mô đầu tư: xây dựng mở rộng tuyến đường hiện trạng từ ĐT. 477 đến đường bê tông khu dân cư thôn Lãng Ngoại, với chiều dài khoảng 0.98 km, bề rộng nền đường 14m, bề rộng mặt đường 7.5 m. Tổng mức đầu tư là 36 tỷ đồng.
Tới nay, Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đã lựa chọn nhà thầu Khảo sát, thiết kế và thi công xây lắp. UBND huyện Gia Viễn đã khẩn trương chỉ đạo nhà thầu khảo sát địa chất, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, thực hiện cắm mốc giới và đang hoàn thiện các thủ tục, trình phê duyệt giá cụ thể để bồi thường giải phóng mặt bằng. giá trị đã giải ngân đạt 7 tỷ đồng.
Tại huyện Nho Quan, đoàn đã tiến hành kiểm tra các dự án: Dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ô tô đến trung tâm 9 xã miền núi huyện Nho Quan; Dự án nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm cụm xã nghèo huyện Nho Quan (giai đoạn 1); Dự án xây dựng tuyến đường liên xã Phú Lộc và xã Kỳ Phú vùng đặc biệt khó khăn huyện Nho Quan.
Kiểm tra Dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ô tô đến trung tâm 9 xã miền núi huyện Nho Quan.
Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tại huyện Nho Quan là trên 870 tỷ đồng. Tới ngày 16/5/2022, tổng giá trị giải ngân nguồn vốn đầu tư công là trên 354,8 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch vốn được giao.
UBND huyện Nho Quan đã nêu một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện triển khai dự án cũng như tiến độ giải ngân theo kế hoạch như: những quy định trong văn bản pháp luật, quá trình đấu thầu qua mạng nảy sinh một số khó khăn, giá vật liệu có sự biến động, chưa cập nhật kịp thời Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực từ 1/1/2022.
Lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn cũng đã trao đổi trực tiếp, tư vấn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai các dự án như: thủ tục hành chính để khởi công, việc lựa chọn nhà thầu khi đấu thầu qua mạng, các thủ tục pháp lý để giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo tại các điểm kiểm tra, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định vấn đề giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải quan tâm triển khai quyết liệt để tạo động lực cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Qua kiểm tra, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả các địa phương đã đạt được trong quá trình triển khai các Dự án có vốn đầu tư công trên địa bàn.
Đối với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng hỗ trợ các địa phương giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục giải ngân nguồn vốn đầu tư, yêu cầu hàng năm phải đánh giá xếp hạng chất lượng tư vấn công trình, dự án; khối lượng hoàn thành đến đâu phải làm thủ tục thanh toán đến đấy.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công, các ban quản lý cũng cần lập tiến độ từng dự án cụ thể, kiểm soát tiến độ theo từng tuần, từng ngày bằng sơ đồ tiến độ, song hành việc triển khai thực hiện các Dự án cùng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương để đạt được kế hoạch theo đúng tiến độ đã cam kết.