Tạo việc làm, giúp người nông dân có thêm thu nhập chính đáng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần bảo tồn nghề truyền thống là mục tiêu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở địa bàn nông thôn hướng đến. HTX thêu ren Thanh Hà (Yên Nhân-Yên Mô) là một trong những đơn vị điển hình về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn trong thời gian qua. Được thành lập từ cuối năm 2009, qua 4 năm hoạt động HTX thêu ren Thanh Hà đã khẳng định được vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Sản phẩm chính của HTX là nhận gia công các mặt hàng thêu ren xuất khẩu cho các công ty trong tỉnh. Bà Vũ Thị Diệu, chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện xí nghiệp đang có trên 300 tay kim chính và thường xuyên có hàng nghìn vệ tinh nhận hàng về gia công tại nhà với mức thu nhập trung bình từ 35-40 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, mỗi năm HTX còn đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 200 học viên tại các địa phương như: Yên Mô, Yên Khánh, thị xã Tam Điệp. Sau khi học nghề, học viên được tạo việc làm và liên tục được tham gia các khóa học nâng cao tay nghề.
Có thể thấy, trong khi các địa phương khác đang loay hoay trong việc chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì chỉ cần một HTX nhỏ thêu ren như ở Yên Nhân đã có thể giải quyết cho hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm thêm, cho thu nhập ổn định. Đây chính là lời giải cho bài toán về chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Không thể phủ nhận sự lan tỏa của các làng nghề đã góp phần mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất các ngành tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhiều lao động, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng giá trị sản xuất nghề năm 2012 toàn tỉnh đạt 1.407,7 tỷ đồng. Đây là đóng góp quan trọng trong kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, hoạt động ngành nghề nông thôn ở những địa phương có nghề đã thu hút gần 30% lực lượng lao động tham gia vào cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Có những làng nghề thu hút trên 60% lao động trong tổng số lao động của địa phương vào hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động thường xuyên, các hộ, cơ sở ngành nghề còn thu hút thêm từ 2-10% lao động thời vụ.
Một trong những mục tiêu trong chương trình xây dựng NTM là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Việc phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: Mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, địa phương nào có làng nghề, CN-TTCN phát triển, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho lộ trình xây dựng NTM. Chính vì vậy, việc xây dựng NTM gắn với xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có một ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động cho nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy sự phát triển của các làng nghề hiện nay đang gặp phải một số khó khăn. Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương nhận xét: Hiện nay các làng nghề trong tỉnh đều hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự phát, đối với các làng nghề sản xuất theo thời vụ thì thường chỉ sản xuất vào lúc nông nhàn. Người lao động trong các làng nghề còn thiếu tính chủ động, chưa đầu tư về mặt thời gian, công sức cũng như trí tuệ của mình để làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hầu hết yếu về năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng chưa được doanh nghiệp chú trọng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang rất eo hẹp về mặt bằng sản xuất và hầu như chưa có sự đầu tư về công nghệ, máy móc, nhà xưởng, hệ thống nước thải, vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Các địa phương cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp đầu mối, vệ tinh đứng chân ổn định tại địa phương và làng nghề. Công tác khôi phục, duy trì và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất còn chưa được quan tâm đúng mức như vùng nguyên liệu cói, bèo bồng, vùng nguyên liệu chế tác đá mỹ nghệ.
Việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và việc trang bị bảo hộ lao động của một số làng nghề chưa được quan tâm vì vậy đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe người lao động như làng nghề đá Ninh Vân, làng nghề mộc Ninh Phong, làng nghề bún bánh Yên Ninh, Khánh Dương.
Để hoạt động của làng nghề đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời ngay từ khi quy hoạch NTM phải gắn liền với quy hoạch làng nghề thì mới tạo điều kiện để làng nghề phát triển một cách bền vững. Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Hiện nay, trong việc quy hoạch xây dựng NTM, một vấn đề mà các địa phương cần chú ý là diện tích đất cần thiết để trồng các loại cây làm nguyên liệu cho sản xuất. Bởi phát triển làng nghề chính là làm đa dạng hóa kinh tế nông thôn, chuyển các hộ thuần nông thu nhập thấp thành những hộ kinh doanh đa ngành nghề. Với bộ phận các địa phương đã có nghề, Nhà nước cần lập dự án phát triển nghề hiện có, cấy thêm nghề mới, nhân rộng ra nhiều hộ trong làng. Còn đối với địa phương chưa có nghề, cần lập quy hoạch ngành nghề, quy hoạch mặt bằng, xây dựng kế hoạch, dự án phát triển…
Nguyễn Thơm