Có mặt tại Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc được Bệnh viện Mắt Trung ương và UBND huyện Kim Sơn vừa tổ chức, chị Trần Thị Thu, xóm 8, xã Định Hóa - là con dâu của người quá cố đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời không khỏi xúc động nhưng cũng đầy tự hào.
Cầm trên tay Giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và Kỷ niệm chương của Bệnh viện Mắt Trung ương, chị Thu cho biết, thực hiện di nguyện của mẹ chồng, khi bà qua đời vì tuổi già, gia đình đã quyết định trao tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương, với mong muốn giúp cho người khuyết tật về mắt có cơ hội thoát khỏi cảnh tối tăm.
Gia đình tôi và hàng xóm, láng giềng cũng có khá nhiều người đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Như bố chồng tôi, ông đã đăng ký sẽ hiến tặng giác mạc sau khi qua đời và luôn nhắc nhở con cháu, làm được việc gì tốt cho đời thì nên cố gắng làm.
Những năm qua, tại thôn, xóm chúng tôi, phong trào hiến tặng giác mạc được các tình nguyện viên, cha xứ tích cực tuyên truyền, vận động, từ đó chúng tôi nhận thức được dù không còn sống nhưng vẫn để lại cho đời một đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra cuộc đời mới cho người khiếm thị, như thế là đã làm một việc thiện cuối cùng của một đời người, dù chết đi vẫn còn có ích cho đời, cho người..." - chị Trần Thị Thu chia sẻ.
Xã Định Hóa - một trong những địa phương của huyện Kim Sơn có đông người đã hiến tặng giác mạc thành công, từ người đầu tiên hiến tặng giác mạc vào năm 2009, đến nay, toàn xã đã có 25 người hiến tặng giác mạc. Cùng với đó là hàng nghìn người đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trong đó có nhiều gia đình có từ 5-6 thành viên cùng đăng ký.
Có được kết quả đó là do Hội Chữ thập đỏ xã đã tích cực và phối hợp chặt chẽ với Nhà thờ, các xứ, họ đạo trên địa bàn, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân, nhất là những người có đạo hiểu được ý nghĩa của phong trào, sự cần thiết của việc hiến tặng giác mạc, còn tiên phong là người đi đầu trong phong trào này bằng cách tự nguyện đăng ký để làm gương cho những người khác cùng tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Phát biểu tại Lễ Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người tặng hiến giác mạc, Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Chánh xứ Cách Tâm, xã Chính Tâm cho rằng: "Cần đặt mình vào thân phận những người khiếm thị để thấy vang lên tiếng gọi cầu cứu của họ, đặc biệt là những bạn trẻ đang tràn sức sống và tiến tới tương lai với nhiều hi vọng, bỗng nhiên bị bóng tối chặn đứng lại… Ai sẽ cho họ được bừng lại một luồng ánh sáng và tia hi vọng hướng về tương lai… Do vậy, hiến tặng giác mạc cũng là một món nợ tình thương tự nguyện.
Vì vậy, tôi mong muốn có nhiều nơi, nhiều người cùng hiến giác mạc khi qua đời. Chết rồi mà vẫn có thể giúp người mù được sáng thì còn gì bằng." - Lời khẳng định của Linh mục Nguyễn Hồng Phúc được cả hội trường vỗ tay tán thưởng, trong đó có những người thân của người đã hiến và cả những người được hiến tặng rưng rưng xúc động, bày tỏ lòng tri ân với những người đã hiến giác mạc, giúp mình tìm lại được ánh sáng.
Theo ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, những năm qua, các tổ chức, đơn vị liên quan như Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, Tổ chức ORBIS, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh và huyện Kim Sơn rất tích cực và trách nhiệm trong việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng vận động truyền thông hiến tặng giác mạc.
Từ năm 2007 đến nay, đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, cho trên 1 nghìn tình nguyện viên, trong đó có rất nhiều tình nguyện viên là người công giáo và phật giáo, gồm các vị Linh mục, chánh trương, trùm trưởng, các vị chức sắc, chức việc thuộc Công giáo; các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni Phật giáo trên địa bàn huyện…
Với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã biến việc hiến tặng giác mạc từ hành động của cá nhân đơn lẻ trở thành một phong trào rộng khắp và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đến nay, toàn huyện Kim Sơn có 10.925 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời (cả nước có trên 50 nghìn người); trên địa bàn huyện có 279 người hiến tặng giác mạc thành công (cả nước có 494 người, tỉnh Ninh Bình có 289 người), đem lại nguồn ánh sáng quý giá cho hàng trăm người mù, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Những đơn vị tiêu biểu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc trên địa bàn huyện là: Xã Cồn Thoi (100 người - là xã có người hiến giác mạc nhiều nhất cả nước); xã Văn Hải (45 người); xã Kim Mỹ (34 người); xã Định Hóa (25 người); xã Kim Tân (22 người) và các xã Kim Định, Ân Hòa, Kim Chính, Kim Trung, thị trấn Bình Minh…, mỗi nơi có từ 6-11 người đã hiến tặng giác mạc và hàng nghìn người tự nguyện viết đơn đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, có được phong trào hiến tặng giác mạc ngày càng lan rộng và hiệu quả như hiện nay, là sự đóng góp, chung tay của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào hoạt động đầy tính nhân văn này.
Đó là các cấp ủy đảng, các tổ chức chính quyền, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các cộng tác viên tình nguyện…, trong đó đặc biệt là tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc, họ đã cho những người mù lòa có cơ hội thêm cuộc đời thứ hai.
Việc làm của những người đã hiến tặng giác mạc, dành một phần cơ thể của mình cho người ở lại, thể hiện tấm lòng sẻ chia, đầy tình bác ái, góp phần đem lại ánh sáng vô giá cho những người bất hạnh.
Từ điển hình là huyện Kim Sơn, hiện phong trào hiến tặng giác mạc đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, khẳng định những nghĩa cử cao đẹp sẽ luôn và ngày càng được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Hạnh Chi