Bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) những ngày hè nắng nóng bỏng rát, nhưng trong ngôi nhà hai tầng xinh xắn ẩn mình trong vườn cây sum suê trái ngọt của gia đình ông Bùi Trọng Nguyên luôn có nhiều người dân đến ngồi hóng mát và trò chuyện. Những hướng phát triển kinh tế, những bí quyết để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình, cách nuôi dạy con ngoan... luôn là chủ đề chính trong những câu chuyện rôm rả của những người nông dân ấy. Sự gần gũi, mến khách và những kinh nghiệm quý của gia đình ông Nguyên càng làm tăng thêm tình yêu mến, sự cảm phục mà người dân dành cho gia đình ông- một tấm gương hạnh phúc của bản Ao Lươn.
Ông Nguyên kể, vợ chồng ông sinh được 4 người con, hai trai, hai gái. Cũng như phần lớn đồng bào nơi đây, thu nhập của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào vài ha đồi rừng, năm được, năm mất, thành thử, có cố gắng lắm cũng chỉ đủ no lòng 4 đứa con thơ. "Nếu chỉ duy trì cuộc sống đủ ăn như vậy thì cũng không quá khó. Song, muốn gia đình được no ấm, hạnh phúc, con cái được học hành đến nơi đến chốn thì trước hết cần phải tạo được sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Đồng đất Kỳ Phú khó khăn, song nếu biết tận dụng thì sẽ biến khó khăn ấy thành lợi thế. Nghĩ là làm, tôi bàn với vợ xây dựng chuồng trại và đưa về nuôi một số con đặc sản như lợn rừng, nhím, ong… Thuận vợ thuận chồng, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi đã cho hiệu quả kinh tế"- ông Nguyên nhớ lại.
Vợ chồng ông Bùi Trọng Nguyên cùng xem lại bức ảnh của đại gia đình.
Làm ăn thuận lợi nên chỉ ngót chục năm sau, ngôi nhà tuyềnh toàng của gia đình ông Nguyên đã được thay thế bằng ngôi nhà hai tầng khang trang, hiện đại. Cùng với sự khởi sắc của kinh tế thì thành quả lớn nhất mà vợ chồng ông đạt được chính là sự trưởng thành, hạnh phúc của cả 4 người con. Ông Nguyên mang ra một bức ảnh lớn của đại gia đình và "khoe" với chúng tôi: Đến nay, cả 4 người con của tôi đều có sự nghiệp và lập gia đình riêng. Điều tôi tự hào nhất đó là không chỉ hai con trai mà cả hai con rể của tôi cũng đều công tác trong lực lượng vũ trang. Cơ hội để cả đại gia đình tề tựu đông đủ thì hiếm lắm, bởi các con luôn có những nhiệm vụ của riêng mình. Tuy nhiên, thay vì buồn chán, phiền não, các thành viên trong gia đình tôi lại động viên, sẻ chia để thấy rằng dù có sống xa nhau nhưng mọi người luôn quan tâm đến nhau và vẫn chan chứa hạnh phúc…".
Con cái trưởng thành, vợ chồng ông Nguyên lại tất bật với niềm vui của tuổi già là chăm sóc và dạy dỗ các cháu nội, ngoại. Thời gian rảnh, ông Nguyên dành hết cho công tác xã hội ở địa phương. Trong những năm qua, ông Nguyên cùng gia đình thường xuyên vận động các hộ trong bản thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, điển hình như cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ông Nguyên gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất, góp tiền và vận động nhân dân cùng hăng hái làm theo. Đến nay, tuyến đường đất liên bản dài 1,7 km đã được thay thế bằng con đường bê tông phẳng lỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế.
Tạm biệt xã Kỳ Phú, chúng tôi về với vùng biển Kim Sơn để tìm gặp gia đình nhỏ của chị Trần Thị Viên, ở xã Như Hòa. Ngôi nhà đơn sơ nhưng gọn gàng, ngăn nắp nhờ đôi bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Chị Viên bảo, những ngày nắng nóng, chồng chị đi làm vất vả nên chị ở nhà, ngoài chăm lo cho mảnh vườn và đàn lợn thì chị luôn cố gắng chuẩn bị bữa ăn thật đầm ấm để chờ đợi chồng, con về ăn. Bữa ăn nhà quê đơn giản, nhưng bao giờ chị cũng cố gắng làm những món mà các thành viên trong gia đình yêu thích. Từ bữa cơm gia đình mà hạnh phúc của chị Viên thêm bền chặt, gắn bó.
Chị Viên kể, chị kết hôn khá sớm. Chồng chị là một thanh niên chất phác cùng quê. Những năm sau đó, vợ chồng chị sinh hai con một trai, một gái. Cuộc sống của vợ chồng nhà nông còn biết bao khó khăn, song chị chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi bởi bên cạnh mình luôn có một người chồng thương yêu vợ con và hai đứa con chăm ngoan, học giỏi. Có lẽ, chăm chỉ gom góp yêu thương đã tạo cho gia đình chị một cuộc sống hạnh phúc như hiện tại. Chị Viên bảo, hạnh phúc đối với gia đình chị đơn giản lắm. Chỉ là nhìn thấy nhau mỗi ngày, chia sẻ với nhau cả nỗi buồn, sự thất bại trong cuộc sống để những nỗi buồn vợi bớt. Ngoài vài sào ruộng cha ông để lại, chúng tôi thầu thêm 3 mẫu ruộng để cày cấy, ngoài ra đào ao, thả cá, trồng rau màu… Công việc nhà nông bận rộn, vất vả quanh năm, vậy nhưng với chúng tôi mỗi giây phút cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ những thất bại hay niềm vui mỗi khi giá lúa được mùa lại là thời điểm thư thái và hạnh phúc nhất. Vất vả là vậy, song xác định con cái là "của để dành", nên cả hai vợ chồng đều dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn. Hai đứa trẻ đang tuổi đến trường, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ lên lớp 6, đứa nào cũng ngoan ngoãn và học giỏi. Những điểm 10 đỏ chói, chiếc giấy khen vào cuối năm… là những niềm vui lớn khiến hạnh phúc gia đình tôi càng thêm đong đầy.
Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Gia đình ông Nguyên, chị Viên là hai trong số rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu đã được tỉnh ta tôn vinh trong những năm qua. Những câu chuyện về tình yêu, về cách gìn giữ "ngọn lửa" hạnh phúc gia đình của những gia đình văn hóa như ông Nguyên, chị Viên đã thực sự trở thành những tấm gương tiêu biểu hiện hữu, chân thực, có sức cổ vũ, lôi cuốn cộng đồng dân cư cùng tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Nhờ đó, phong trào đã có sức lan tỏa rộng khắp đến tất cả các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Bằng việc thực hiện tốt các phong trào, nhiều gia đình đã cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến tới xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc".
Đào Hằng