Mỗi năm toàn tỉnh trồng được hàng vạn cây phân tán và hàng trăm ha rừng. Các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình (Nho Quan), Liên Sơn, Gia Vân (Gia Viễn), Kim Đông, Kim Hải (Kim Sơn)… luôn là những đơn vị có phong trào mạnh. Đặc biệt, xã Yên Phong (Yên Mô) nhiều năm liền là lá cờ đầu phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Hệ thống cây xanh đã góp phần cải tạo cảnh quan, gìn giữ môi trường sống trong lành.
Ninh Bình là tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng Bắc bộ, có diện tích tự nhiên 137.807 ha. Trong đó rừng và đất rừng là 28.639 ha, bằng 20,8% diện tích toàn tỉnh. Do vị trí địa lý, diện mạo địa hình Ninh Bình có rừng tự nhiên, đồi núi, đồng bằng và vùng ven biển mà từ lâu người ta đã ví Ninh Bình đẹp như nước Việt Nam thu nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu khoa học Lâm nghiệp cho biết: Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, Ninh Bình có trên 30.000 ha rừng tốt, chạy dài từ Cúc Phương (Nho Quan) tràn qua nhiều xã của huyện Gia Viễn, Tam Điệp và một số xã ở phía tây nam của huyện Gia Khánh. Bằng chứng là những năm 1956 - 1975 vết tích chân rừng còn thấy rõ ở mả Vầu, mả Sắn xã Ninh Sơn, mả Cò xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh (nay là thành phố Ninh Bình).
Sớm nhận ra những tác dụng và giá trị to lớn của rừng và đất rừng, ngay từ những năm 1958 - 1960, Ninh Bình đã có Ty Lâm nghiệp với một đội ngũ cán bộ, công nhân viên đông đảo làm công tác lâm nghiệp. Năm 1973, lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình được kiện toàn, đi vào hoat động mạnh đã góp phần bảo vệ rừng kịp thời và có hiệu quả. Đặc biệt là Vườn Quốc gia Cúc Phương thường xuyên được bảo vệ nghiêm ngặt an toàn trong mọi hoàn cảnh. Trên mặt trận lâm sinh, Lâm trường quốc doanh Ninh Bình nỗ lực gieo ươm cây giống, hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung. Nhiều năm liền Lâm trường hoàn thành xuất sắc kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, làm tăng trưởng vốn rừng. Khai thác một lượng gỗ củi đáng kể, tạo nguồn nguyên liệu cho xây dựng và sản xuất hàng mộc gia dụng.
Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm qua, ngành Lâm nghiệp Ninh Bình đã làm được rất nhiều việc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Theo con số điều tra mới đây, Ninh Bình hiện có 28.639 ha đất lâm nghiệp. Trong đó đất rừng đặc dụng 16.500 ha, đất rừng phòng hộ 9.026 ha, đất rừng sản xuất 3.113 ha (đó là phân theo mục đích sử dụng). Còn theo hiện trạng thì có tới 23.510 ha rừng tự nhiên, 3.379 ha rừng trồng và 1.750 ha đất trống, đồi trọc. Mỗi năm toàn tỉnh còn trồng hàng vạn cây phân tán, kết hợp với rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt đã cho một lượng gỗ đáng kể đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ tại các địa phương, sản xuất hàng mộc xuất khẩu.
Nhận thấy rõ lợi ích to lớn của rừng và đất lâm nghiệp trong sự phát triển toàn diện và bền vững, Ninh Bình đã có đề án Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng dài hạn giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu và giải pháp cụ thể: Đối với 16.500 ha rừng đặc dụng (58,1% đất lâm nghiệp), trong đó Vườn Quốc gia Cúc Phương có 11.300 ha, có tới 1.268 loài thực vật, 553 loài động vật, đặc biệt là 25 loài thực vật, 66 loài động vật đặc hữu quý hiếm - nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, phải luôn tăng cường tuần tra bảo vệ; phục hồi và phát triển rừng bằng biện pháp chăm sóc khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên. Củng cố và duy trì vườn thực vật hiện có, bổ sung làm cho phong phú về loài. Xây dựng khu nuôi động vật quý hiếm bán hoang dã. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái bền vững trên cơ sở thu hút sự tham gia của cộng đồng. Thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng ở các xã dưới sự điều hành của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đồng thời phát triển các dịch vụ văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách.
Với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có diện tích 2.134 ha, tập trung bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh cảnh đặc hữu trên núi đá vôi. Bảo tồn các loài động vật có nguồn gien quý hiếm đang có nguy cơ tiệt chủng. Khuyến khích cộng đồng chung tay góp sức trồng rừng, bảo vệ toàn diện, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đưa kinh tế vùng phát triển bền vững, không ngừng nâng cao đời sống cộng đồng dân cư trong khu vực.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình có một khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư với diện tích 2.937 ha. Mục tiêu hiện tại và tương lai là phải bảo vệ cho được từng gốc cây, hòn đá thuộc hệ rừng trên núi đá rất đẹp gắn liền với nhiều di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng. Đặc biệt là bảo tồn và giữ lại nét hoang sơ tự nhiên. Chấm dứt việc khai thác đá trong khu vực này. Tiếp tục trồng cây bóng mát, cây lấy gỗ ở các thị trấn, thành phố. Tôn tạo cảnh quan môi trường tại các khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính làm cho các nơi này ngày càng xanh - sạch - đẹp. Để du khách đến thì vui. Ra về họ luyến nhớ và mong có ngày trở lại thăm danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình.
Một nhiệm vụ quan trọng và dài hơi trong những năm tới là đẩy nhanh tốc độ trồng 3.937 ha rừng. Trong đó trồng mới là 1.750 ha, trồng lại rừng sau khai thác là 2.187 ha, bằng các loài cây bản địa và giống nhập nội đã qua khảo nghiệm và chọn lọc thích hợp với từng loại đất. Chăm sóc, bảo vệ rừng trồng nhanh khép tán, sinh trưởng ổn định, bền vững. Nâng cao độ che phủ chống xói mòn đất, bảo vệ sản xuất nông, công nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, với đất trống bãi bồi huyện Kim Sơn cần trồng Bần chua hỗn giao với cây vẹt, bảo vệ các dải rừng sậy, sú vẹt hiện có để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển cũng như rừng đầu nguồn…
Với những thành tựu và kinh nghiệm đạt được của 60 năm qua trên mặt trận lâm nghiệp…, Đảng bộ quân và dân Ninh Bình nguyện học tập, làm theo lời Bác hưởng ứng Tết trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhất định đất lâm nghiệp Ninh Bình có nhiều rừng tốt, vốn rừng sẽ được bảo vệ, phát triển bền vững, làng phố mãi xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng Ninh Bình giàu đẹp văn minh.
Hải Âu
Hội VHNT Ninh Bình