Sinh năm 1944, 20 tuổi ông Đậu xung phong đi bộ đội và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, ông xin vào làm việc tại Công ty ong Hà Nam Ninh, khi Công ty giải thể, ông trở về với đồng đất quê nhà tại huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam). Nhận thấy việc phát triển kinh tế trang trại đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Tam Điệp chú trọng, quan tâm, nên năm 2004 ông quyết định theo con về vùng đất này phát triển kinh tế. Ông cùng con bỏ nhiều công sức và vay mượn thêm vốn liếng của bạn bè để mua thêm đất sau đó tập trung khai phá, cải tạo lại nhằm xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trên diện tích 30 ha.
Những năm đầu, bên cạnh việc gieo trồng một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, lạc, dứa với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông còn đầu tư vốn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đến nay, toàn bộ vùng hoang vu trước đây đã được ông cải tạo để trồng rừng với 15 ha keo và 2 ha măng bát độ. Cần cù, nắm vững kiến thức trồng trọt, 17 ha rừng của ông ngày càng phát triển và đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Ông Đậu nhẩm tính, trung bình 1 ha keo cho sản lượng 60-80 m3 gỗ, sau khi trừ chi phí ông lãi 80-100 triệu đồng. Với măng bát độ, do chăm sóc tốt nên ngay năm thứ 2 đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 50-55 tấn/ha/năm, với giá bán 5.000 đồng/kg, trên 2 ha mỗi năm anh thu về trên 200 triệu đồng.
Tận dụng diện tích đất đồi rộng, ông Đậu còn nuôi thêm gà, bò, lợn rừng..., mỗi năm thu lãi từ chăn nuôi đạt gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhờ kiến thức có được từ những năm làm việc ở Công ty ong, ông còn nuôi 200 thùng ong mật (giống ong Italia) mỗi năm thu trên 10 tấn mật; ngoài ra còn thu được phấn, sáp và ong giống cho vụ sau. Chỉ tính riêng về mật ong, với giá bán 90.000 đồng/kg, một năm ông đã thu được khoảng 900 triệu đồng. Ông Đậu cho biết: Nuôi ong công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm ruộng và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo...
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm ăn, ông Đậu vui vẻ chia sẻ: Đầu tiên là phải cần cù, nhưng cũng phải chịu khó học hỏi thì mới thành công được. Việc đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi cũng rất quan trọng, vì thực tế nếu chuyên một cây con nào đó thì khi bất ngờ xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường, các chủ trang trại rất khó xoay sở. Thực tế thời gian qua, khác với các hộ sản xuất theo mô hình trang trại đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, trang trại của ông vẫn ổn định sản xuất và cho thu nhập cao. Được biết, hiện nay ông đang nuôi thử nghiệm hơn 200 con gà Đông Tảo, đây là giống gà đặc sản hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu