Qua tìm hiểu thông tin về nhà nông làm giàu, anh thấy có nhiều mô hình hay có thể áp dụng. Nhờ lợi thế sống gần khu vực núi đá vôi, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê núi với hình thức chăn thả tự nhiên. Đây là giống dê truyền thống, có chất lượng thịt thơm ngon và giá bán cao. Do nhu cầu phục vụ khách du lịch tăng cao nên dê nuôi đến đâu có khách mua đến đó. Nhưng với cách nuôi quảng canh, thả vào núi cho dê lớn tự nhiên có rất nhiều bất cập: Gia đình không thể kiểm soát được số lượng con trong đàn và tình hình dịch bệnh. Có những năm cả đàn dê lăn ra chết chỉ vì bệnh đậu mùa, làm thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Qua những buổi tập huấn của huyện, của tỉnh, anh đã hiểu ra nhiều điều về chăn nuôi dê theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả. Anh tiếp tục đầu tư chăn nuôi con dê cỏ địa phương, nhưng trong cách chăn nuôi có nhiều thay đổi. Buổi sáng dê được đuổi lên núi ăn lá cây tự nhiên và buổi tối được đuổi quây gọn vào chuồng. Làm như thế con dê nào bị thương, bị bệnh anh cũng có thể kiểm soát và điều trị bệnh được ngay. Hoặc trong cách cho dê ăn cũng khác trước, vào mùa xuân và mùa hè lá cây sẵn và tốt thì dê chỉ cần ăn thức ăn xanh tự nhiên. Nhưng vào mùa đông, ngoài thức ăn tự nhiên anh phải mua thức ăn bổ sung để đảm bảo cho dê phát triển... Do biết cách chăn nuôi hợp lý nên đàn dê của gia đình anh Mẫn liên tục phát triển, lúc nào cũng có từ 20 đến 30 con dê trưởng thành.
Với lợi thế gần khu vực đầm trũng, anh Mẫn tiếp tục đầu tư đào ao thả cá. Ngoài cá nuôi trong ao, mấy năm gần đây anh còn làm mô hình cá- lúa. Với diện tích trên 40 mẫu, anh thả gần 2 tấn giống cá gồm cá trắm, chép, mè, trôi... Thả vào đầu vụ đông xuân thì khoảng tháng 11-12 là được thu hoạch. Như vậy, mỗi vụ anh thu được trên 6 tấn cá các loại. Điều đáng nói là mô hình này anh không phải đầu tư thức ăn cho cá nên về chi phí giảm rất nhiều.
Bên cạnh con dê và con cá thì con vịt cũng là lựa chọn của gia đình anh Mẫn để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Mỗi lứa anh nuôi 400 đến 500 con vịt. Khi lứa đầu gần xuất bán thì nhập đàn lứa kế tiếp nuôi gối vụ theo hướng bán công nghiệp. Nhờ vậy, mỗi năm anh Mẫn cũng nuôi được từ 2-3 lứa, tổng cộng khoảng gần 1.000 con vịt thương phẩm. Nhờ biết cách bố trí hợp lý chuồng trại, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nên vịt của gia đình anh luôn khỏe mạnh, cho hiệu quả cao.
Ngoài ra anh Mẫn còn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thương phẩm. Thời điểm vừa qua, ít dịch bệnh, lợn lại được giá, việc nuôi lợn của gia đình anh đã đem lại hiệu quả cao.
Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó và áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã giúp gia đình anh Mẫn đạt mức thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: Hương Giang