Một ngày đầu tháng mười, chúng tôi đến thăm xưởng đá mỹ nghệ của thanh niên trẻ Bùi Thế Anh. Mới đến đầu thôn, đã nghe âm thanh rộn rã của tiếng máy xẻ, máy cưa, tiếng búa tí tách đập đá. Gặp Thế Anh lần đầu, khó mà tin chàng trai có nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trẻ măng này lại là chủ của xưởng đá mỹ nghệ. Khi chúng tôi đến, Thế Anh đang tiếp đón vài đoàn khách tới tham quan và đặt hàng ở xưởng. Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao, ông chủ trẻ dẫn chúng tôi đi thăm xưởng và kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa anh đến với nghề vốn không phải là truyền thống của địa phương này.
Thế Anh sinh năm 1991, trong một gia đình nông dân ở xã Sơn Lai. "Tốt nghiệp THPT, tôi không thi đại học mà tình nguyện nhập ngũ. Hai năm rèn luyện trong quân ngũ đã cho tôi nhiều bài học, nhiều điều bổ ích, đặc biệt là rèn luyện cho tôi đức tính kiên trì, bền bỉ. Sau khi xuất ngũ, điều tôi trăn trở là làm thế nào để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Sơn Lai là xã còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất khó này là vấn đề không dễ "- Thế Anh chia sẻ. Và rồi Thế Anh mạnh dạn sang xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) để tìm thầy học nghề điêu khắc đá.
Gia đình Thế Anh không có truyền thống làm nghề điêu khắc đá mỹ nghệ nhưng Thế Anh đã cho thấy không nhất thiết phải là con nhà nghề, chỉ cần có sự chăm chỉ, kiên trì theo đuổi, cộng thêm chút táo bạo thì cũng có thể làm giàu từ một nghề còn mới lạ.
"Đến với nghề hơi muộn, bởi vậy muốn thành công thì tôi phải vất vả và chăm chỉ hơn mọi người"- Thế Anh nói. Thừa hưởng đức tính chăm chỉ, khéo léo từ người cha làm thợ mộc, Thế Anh luôn trau chuốt, tỉ mỉ trong từng công việc, đặc biệt là những việc liên quan đến điêu khắc hay chạm trổ.
Bởi vậy mà sản phẩm do Thế Anh làm ra không chỉ đảm bảo về tiêu chí kỹ thuật mà còn rất tinh tế, có hồn, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Sau hơn 2 năm học nghề, Thế Anh trở về địa phương, vay mượn thêm vốn để mở xưởng điêu khắc đá.
Lúc đầu, công việc gặp nhiều khó khăn do xưởng ít nhân công, lại chưa có kinh nghiệm, vốn ít, thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với nhiều thương hiệu vốn có tiếng từ lâu.
Tuy nhiên, với tính cách dám nghĩ dám làm, cùng với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh đã từng bước khắc phục khó khăn và đưa cơ sở dần đi vào hoạt động ổn định.
Ban đầu, Thế Anh phải tự làm tất cả các đơn đặt hàng, có khi phải thức đến 1-2 giờ sáng làm việc để kịp thời gian giao hàng. Nhưng giờ thì mọi việc đã đơn giản hơn khi anh đang sở hữu trong tay hàng chục thợ lành nghề. Những người thợ này đều là lao động địa phương, công việc ổn định với mức lương từ 4-7 triệu đồng/tháng. Nhờ kiên trì bám trụ với nghề và chút duyên làm kinh doanh, đến nay thương hiệu của xưởng đá đã có tiếng với sự đa dạng về loại hình và mẫu mã. Thị trường cũng không ngừng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Doanh thu mỗi năm của xưởng đạt trên 1 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, hàng ngày, người chủ trẻ vẫn say sưa thổi hồn vào đá.
Thế Anh chia sẻ, điêu khắc không chỉ cần có năng khiếu mà còn cần cả sự chăm chỉ, lòng yêu nghề thực thụ thì khi đó mới có thể tạo ra một sản phẩm vừa đẹp vừa có hồn. "Sắp tới, tôi dự định mở thêm xưởng mộc, bởi đó là nghề truyền thống của gia đình tôi. Phát huy lợi thế ấy, tôi sẽ có hướng đầu tư phát triển nghề một cách bền vững nhất"- Thế Anh nói.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng