Vòng vèo hỏi thăm mãi tôi mới tìm đến được nhà anh Diễn. Nằm cuối phường Bắc Sơn, giáp với phường Yên Bình, ngôi nhà xinh xắn nằm giữa lưng chừng đồi, phía sau là ngút ngàn cây trái còn trước mặt là một hồ nước rộng trong veo khiến tôi cứ muốn hít hà mãi. Cảm giác thật trong lành! Trò chuyện với tôi, anh Diễn cho biết: Cách đây 26 năm, khu đất này hoang sơ lắm, lau sậy, dây leo phủ kín, thậm chí không có đường đi. Đất đai thì rộng nhưng độ dốc quá lớn lại chủ yếu là đá sít nên tính toán trồng cây gì để "có ăn" cũng là một điều nan giải. Mấy năm đầu, gia đình anh chỉ trồng sắn, trồng ngô để nuôi lợn nhưng hiệu quả kinh tế chả đáng là bao. Thế rồi, qua tìm hiểu anh được biết cây sắn dây là loại cây dễ trồng, ít kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà giá sắn bột khi đó khá cao nên anh đã đưa vào trồng thử nghiệm. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm chăn sóc lại làm giàn leo bằng cây tre hoặc trúc nên sản lượng không như mong đợi, nhưng sang đến những năm sau, học hỏi tích lũy được thêm kinh nghiệm, anh Diễn chuyển sang trồng sắn bằng cách khoanh hố và làm giàn leo bằng trụ xi măng. Kết quả, năng suất sắn của nhà anh lúc nào cũng cao, trung bình từ 50-60 kg/ụ, hàm lượng bột trong củ nhiều. Anh Diễn chia sẻ: "Hàng xóm cứ bảo gia đình tôi giấu bí quyết trồng nên sắn lúc nào cũng nhiều củ hơn. Nhưng thực ra rất đơn giản, sắn dây là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì hốc sắn càng to cao càng tốt. Đặc biệt, đất phải mới và tơi xốp, giàn phải đủ cho sắn leo. Nếu dây sắn trên giàn dày quá dẫn đến quang hợp kém sẽ cho hiệu quả không cao. Một khâu quan trọng không kém để tạo ra sản phẩm bột sắn tốt, thơm, ngon, sạch, mịn đó là khâu chế biến. Mọi công đoạn đều phải làm theo quy trình thật nghiêm túc: Củ sắn tươi thu hoạch về, cạo sạch vỏ, ngâm và rửa thật sạch rồi cho vào máy nghiền kỹ. Sau đó dùng vải màn vắt lấy nước, bã được vắt 3 lần để lấy hết tinh bột, nước vắt ra từ bã sắn được đưa vào bể ngâm và lắng liên tục trong vòng 7 - 8 ngày đêm. Bột sắn khi vớt ra phơi ráo sẽ đưa vào tủ sấy điện để cho ra loại bột trắng tinh, thơm mát". Anh Diễn ước tính: Vụ sắn vừa rồi là vụ được mùa nhất từ trước đến nay, 80 ụ sắn nhưng cho sản lượng lên tới 7 tấn củ tươi, tương đương với 1,4 tấn bột sắn khô.
Để tận dụng hết quỹ đất, khi sắn dây chưa lên giàn, anh Diễn còn trồng xen ngô, lạc xung quanh để lấy thức ăn cho gà, lợn và bò. Ngoài ra, anh còn dành một phần diện tích để trồng chè xanh, cây keo, nhãn, vải, cỏ bò. Bên cạnh đó, thuê thêm gần 1 ha mặt nước của Phường Bắc Sơn để thả cá và nuôi hơn 300 con vịt đẻ.
Chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp anh Diễn gây dựng cho mình mô hình kinh tế khá vững. Mùa nào thức ấy, tất cả các sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh sản xuất ra đều đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm nên tiêu thụ khá dễ dàng. Đặc biệt, sắn dây của gia đình là giống sắn ta, được lọc và chế biến cẩn thận nên bà con quanh vùng cũng như thương lái rất ưa chuộng, giá bán từ 90-100 nghìn đồng/kg.
Trên diện tích gần 3 ha, năm vừa rồi, từ tiền bán sắn dây anh đã thu lãi 100 triệu đồng, ngoài ra còn tiền thu từ bán gà, trứng vịt, cá, chè xanh… Từ cách làm kinh tế của anh Diễn, nhiều nông dân khác trên địa bàn cũng học hỏi và áp dụng làm theo.
Bài, ảnh: Hà Phương