Tháng 1/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức phát động "Tết trồng cây" trong toàn dân cùng với lời dạy "việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều". Người viết:
"Mùa xuân là tết trồng cây.
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân."
Với Ninh Bình, những năm qua phong trào trồng cây được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các cơ quan đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh hưởng ứng và tham gia tích cực. Năm 2008, toàn tỉnh trồng được 250 ha rừng tập trung (trong đó có 50 ha rừng phòng hộ, 200 ha rừng sản xuất), 994 nghìn cây phân tán. Năm 2010 diện tích rừng trồng mới là 102 ha và số cây phân tán trồng được là gần 3 triệu cây.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của "Tết trồng cây", ngay từ trung tuần tháng 12-2010, Sở Nông nghiệp &PTNT đã triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho tết trồng cây, trồng rừng 2011. Theo đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ tác dụng của rừng và việc trồng cây gây rừng, đẩy mạnh việc trồng cây phân tán. Việc trồng cây phân tán tốn kém ít nhưng lợi ích nhiều, tận dụng đất đai đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoa Lan.
Để việc trồng cây đem lại hiệu quả thiết thực, Sở cũng đã có hướng dẫn tới các địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện chặt chẽ. Từng đơn vị có phương án chi tiết về địa điểm, loại cây trồng, diện tích, số lượng cây trồng. Đối với các thành phố, thị xã trồng trên đường phố, đường giao thông, công viên để tạo bóng mát và cảnh quan. Đối với cơ quan, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện bố trí trồng cây xanh tạo bóng mát. Đối với miền núi trồng cây nơi đồi gò, đất trống vườn rừng, trang trại theo phương thức nông lâm kết hợp để phát huy tác dụng tổng hợp. Đối với vùng ven biển, trồng thành các đai rừng chắn sóng, giữ đất lấn biển, chắn gió. Phấn đấu mỗi người dân trong tỉnh trồng từ 1-2 cây xanh trở lên, trồng cây nào sống cây đó.
Tỉnh ta đã tổ chức phát động Tết trồng cây vào ngày 8-2-2011(tức ngày mồng 6 Tết Tân Mão) với việc trồng khoảng 1.300 cây trong ngày đầu tiên phát động. Chủ yếu trồng các cây bóng mát như sấu, xà cừ, phượng vĩ, sữa, bằng lăng, đa… Các cây trồng đảm bảo cao từ 1,5 m trở lên, cây phát triển cân đối, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cụt ngọn... Việc trồng cây sau đó sẽ được tiếp tục triển khai duy trì quanh năm tùy theo điều kiện, thời vụ, đất đai ở các địa phương.
Trước những thách thức mới của thiên nhiên việc trồng cây, bảo vệ cây, bảo vệ rừng phải trở thành ý thức thường trực trong mỗi người dân. Xuân về, chúng ta cần đẩy mạnh phong trào trồng cây một cách rộng rãi, mạnh mẽ hơn, liên tục hơn để đạt được kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng và từ đường phố, đường làng, đến bờ ruộng đâu đâu cũng một màu xanh như Bác Hồ mong muốn "Một năm là cả bốn mùa xuân". Việc làm này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt của biến đổi khí hậu.
Nguyễn Lựu