Ngân hàng đủ chiêu kích cầu
Từ 10-5, NHNN đã có quyết định về việc giảm các lãi suất điều hành quan trọng. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm. Mức lãi suất này bắt đầu có hiệu lực từ 13-5-2013. Tuy nhiên, trong quyết định điều chỉnh lần này, NHNN vẫn giữ nguyên trần lãi suất huy động ở mức 7,5%.
Cùng với quyết định này, NHNN cũng quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên từ 11%/năm xuống 10%/năm.
Theo ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc NHNN tỉnh: NHNN quyết định điều chỉnh lãi suất đưa ra trên cơ sở kiềm chế lạm phát ở mức thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao. "Động thái giảm lãi suất của NHNN lần này hoàn toàn không bất ngờ vì trong hơn một tuần qua, các ngân hàng thương mại lớn như: Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay xuống mức phổ biến là 6-6,8% đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng".
Với mức lãi suất huy động giảm, các tổ chức tín dụng cũng đồng loạt hạ lãi suất cho vay xuống ít nhất 1%. Đại diện một chi nhánh Ngân hàng Công thương trên địa bàn tỉnh cho biết: Từ trung tuần tháng 5, lãi suất cho vay tiêu dùng đang hạ xuống mức 13,5%/năm; lãi suất cho vay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từ 10,5%-11%/năm. Chi nhánh áp dụng mức lãi suất biến động thả nổi, do đó khi Ngân hàng Trung ương có quy định về hạ lãi suất cho vay, Chi nhánh sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho khách hàng. Với mức lãi suất này lợi nhuận của Ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, động thái này cũng không làm thay đổi lượng khách hàng cũng như tổng dư nợ của Chi nhánh so với đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Từ 6-5, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng bắt đầu thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đây là lần thứ 2 Vietcombank tiên phong chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND tính từ khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua. Hiện lãi suất huy động của Vietcombank chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của NHNN là 1,5%/năm.
Lãi suất cho vay cũng được Vietcombank tiếp tục giảm mạnh, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Đại diện chi nhánh Vietcombank Ninh Bình cũng cho biết, hiện Chi nhánh đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mục tiêu của Vietcombank là chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm đưa lãi suất cho vay giảm dần theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN, hướng tới hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đang khát vốn hiện nay.
Có thể thấy, từ quý 4-2012 đến nay, lãi suất huy động liên tục giảm, thế nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp không nhiều. Ông Phạm Xuân Mược, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho rằng: Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là hạ lãi suất mà cần có chính sách bảo lãnh ở những dự án trọng điểm, những dự án có tiềm năng và các NHTM cũng phải tính đến việc hạ tiêu chí cho vay.
Đại diện một chi nhánh NHTM cũng cho biết: Mặc dù lãi suất hạ, đặc biệt là đối với nhóm ưu đãi nhưng Ngân hàng Trung ương đưa ra những ràng buộc mà doanh nghiệp địa phương rất khó thực hiện, do đó Chi nhánh gần như không triển khai gói lãi suất ưu đãi trên địa bàn.
Thời điểm này, các NHTM đang nỗ lực để có thể tăng trưởng tín dụng nhưng thực tế cho thấy mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn rất yếu. Theo số liệu mới nhất của NHNN tỉnh, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong tháng 4 đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,4% so với đầu năm.
Mức lãi suất cho vay hiện hành phổ biến từ 11-13%/năm. Với mức lãi suất này, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ vẫn chưa đủ sức để vay vốn đầu tư. Do đó, bản thân ngân hàng cũng đang "mắc cạn" với nguồn huy động lớn mà đầu ra không được khơi thông.
Doanh nghiệp vẫn chưa đủ sức hấp thụ vốn
Dù có giảm, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn đang vượt quá sức chịu đựng và khả năng hấp thụ của số đông doanh nghiệp. Nhìn trên bình diện chung thì tổng cầu vẫn yếu, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn không chỉ đơn thuần về vốn mà còn hàng tồn kho, thị trường tiêu thụ, cơ chế chính sách ràng buộc... Do đó, không ít doanh nghiệp lẫn ngân hàng cho đến nay vẫn giữ tâm lý ngại đi vay và ngại cho vay...
Ông Bùi Xuân Cộng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hòa (Nho Quan) cho biết: Từ năm 2012, doanh nghiệp đã có dự tính sẽ mở rộng khu nghỉ dưỡng Cúc Phương nhưng xét điều kiện kinh tế hiện nay, doanh nghiệp vẫn "án binh bất động" và cho đến đầu năm nay thì dự án này vẫn chưa được khởi động.
Thực tế hiện nay lãi suất đã giảm rất nhiều so với năm 2011 và cùng kỳ 2012, song đây vẫn là mức lãi suất cao trong thời điểm hiện nay. Vì doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều áp lực như đầu vào của các mặt hàng thiết yếu cao, lương công nhân không thể giảm, trong khi đó giá thành sản phẩm không được tăng, thị trường tiêu thụ cũng hạn hẹp… Với chừng đó những khó khăn thì doanh nghiệp chỉ có thể duy trì sản xuất chứ chưa dám mở rộng kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Lập, chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ở thành phố Ninh Bình cũng chia sẻ, hiện doanh nghiệp của ông đang được một NHTM cho vay với lãi suất 12%/năm, thấp hơn so với mức lãi vay ngắn hạn cao nhất (13,5%/năm) tại các NHTM hiện nay, với mức vay tối đa là 500 triệu đồng.
Ông Lập cho biết: "Các điều kiện vay và giải ngân cũng khá dễ dàng. Song, có cái khó là Ngân hàng yêu cầu chúng tôi phải thanh toán cả vốn lẫn lãi 6 tháng một lần, có thể là nhằm chứng minh khả năng tài chính. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc bố trí vốn và trả nợ". Cũng theo chủ doanh nghiệp này, có thời điểm hàng chưa bán được và cũng không thể huy động được vốn từ gia đình hay bạn bè, ông phải "vay nóng" từ bên ngoài để trả cho ngân hàng.
Ông cho rằng: Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn mà chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đối với ngành vật liệu xây dựng hiện nay, ngân hàng có cho vay với mức lãi suất thấp hơn nữa nhưng nếu thị trường xây dựng vẫn đóng băng thì cũng không ai dám vay".
Tài sản thế chấp cũng là khó khăn lớn trong việc vay vốn Ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bà Nguyễn Thanh Vân, chủ Doanh nghiệp Thanh Vân ở thành phố Ninh Bình chia sẻ: Hiện nay, các ngân hàng đều nói rằng nguồn vốn dự trữ lớn, lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song trên thực tế mức lãi suất cho vay mà một số Ngân hàng đưa ra còn khá cao (13%/năm).
Chưa kể đối với những doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa như chúng tôi, yêu cầu về tài sản thế chấp là rất khó khăn bởi tài sản duy nhất của doanh nghiệp là nhà, đất đã thế chấp ngân hàng rồi. Muốn vay thêm với gói lãi suất ưu đãi cũng không còn tài sản để thế chấp.
Về phần mình, các Ngân hàng cho biết, dù muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không thể "nhắm mắt cho vay". Ông Phạm Ngọc ánh nói: Mặc dù nguồn vốn của các Ngân hàng hiện nay đang dồi dào nhưng trong bối cảnh cả nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì các ngân hàng cũng không thể cho vay bằng mọi giá.
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, vì vậy họ cũng phải tính đến lợi nhuận. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vay vốn với mục đích chỉ để đảo nợ, thay vì có phương án kinh doanh cụ thể hoặc vay vốn để cầm cự kéo dài thời gian. Nếu Ngân hàng không có những ràng buộc cụ thể, không xem xét kỹ phương án kinh doanh mà cứ nhắm mắt cho vay thì chẳng khác nào "thả gà ra đuổi".
Nguyễn Thơm