Mỗi cộng đồng bao giờ cũng có ký ức riêng, cũng như mỗi ngôi làng bao giờ cũng viết ký ức của mình bằng một thứ biểu tượng. Với làng nghề chế tác đá Ninh Vân, biểu tượng của làng hình như đã được ký thác vào những ngôi nhà cổ. Những ngôi nhà cổ xây bằng đá, ngói phủ rêu, hiện hữu ở đó tự bao đời. Những căn nhà chất chứa trong nó biết bao là ký ức về những cuộc đời, những số phận không ít thăng trầm của cả một cộng đồng. Câu chuyện về ngôi nhà bằng đá cổ của gia đình họ Lương là một ví dụ.
Bà Đinh Thị Long, người con dâu Lương gia, năm nay đã 80 tuổi bắt đầu câu chuyện của gia đình mình bằng lịch sử của ngôi nhà. Ngôi nhà đá cổ đã được xây dựng thờ cụ Lương Văn Xiển. Cụ Xiển là một người thợ đá, từng dẫn hiệp thợ khoảng mươi người của làng đá Ninh Vân tham gia xây dựng Nhà thờ đá Phát Diệm. Công việc hoàn thành, cụ cùng các thợ bạn về xây dựng ngôi nhà hiện tại. Ngôi nhà đá cổ 3 gian 2 chái, một kiến trúc đặc trưng của nhà Việt cổ vùng Bắc Bộ. Điểm đặc biệt của ngôi nhà nằm ở chỗ nó được những người thợ xây dựng hầu hết bằng chất liệu đá. Kết cấu ngôi nhà được lắp ghép từ những khối đá, hầu như không dùng đến chất kết dính. Nhiều phần hoa văn trang trí ngôi nhà được chính bàn tay tài hoa của cụ Xiển chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo. Ngôi nhà có thể ví là một tuyệt tác kiến trúc nhà Việt bằng chất liệu đá. Giá trị của ngôi nhà không còn giới hạn là tài sản tư gia mà đã trở thành công trình có ý nghĩa của làng nghề. Một thứ tài sản sang trọng và thiêng liêng bởi nó hàm chứa trong đó nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo. Từ nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật cho đến quan niệm về phong thủy, những thói quen, tập quán sinh hoạt, thờ tự...
Từ một vật phẩm kiến trúc mang tính vật chất, ngôi nhà giờ thành biểu tượng có giá trị tinh thần. Giữa làng đá tấp nập như một đại công trường nhưng chỉ cần bạn bước vào phía trong khuôn viên ngôi thạch thất, đã có một cảm giác thư thái kỳ lạ. Thời gian tưởng như ngưng đọng phía trong ngôi nhà. Nhịp sống trở nên chậm rãi, an nhiên trong câu chuyện kể rủ rỉ của người con dâu họ Lương. Câu chuyện về mấy thế hệ trong cùng một gia đình chỉ làm có một nghề: chế tác đá. Và dòng máu tài hoa vẫn truyền thừa nguyên vẹn từ thời cụ Xiển đến người cháu Lương Trịnh bây giờ. Cả một đại gia đình mấy thế hệ có một niềm đam mê nghề đá. Vẫn nuôi một khao khát truyền đời về việc phải thổi hồn vào từng nét hoa văn chạm khắc. Mỗi sản phẩm xuất đi không chỉ là việc hoàn thành một hợp đồng, mà hơn thế, nó còn gửi vào đó hồn cốt của người nghệ sỹ, truyền đi một thứ thông điệp văn hóa của một làng nghề.
Ngày nay, sản phẩm của Lương gia nói chung đã có mặt ở khắp nơi. Từ nhà cửa đến đình, chùa, miếu, phủ. Từ những tư gia đến các công trình công cộng. Sức sống của nghề đá nhà họ Lương là một ví dụ tiêu biểu cho sức vươn của nghề đá Ninh Vân. Song có một điều rất nhiều người cùng chung suy nghĩ, đó là khi càng nhiều người dân Ninh Vân làm giàu được từ nghề đá thì cũng là lúc họ nuôi trong mình một tâm nguyện phải bảo tồn vốn cổ. Những lúc như vậy ngôi nhà cổ họ Lương như một nơi chốn tìm về của quá khứ. Nó như thứ bảo vật chứng nhân cho những người thợ hôm nay biết được trong quá khứ lớp nghệ nhân cha ông họ đã sống và làm nghề như thế nào. Sự bảo tồn gần như nguyên vẹn của ngôi nhà hơn trăm năm tuổi trước sức tàn phá của thời gian là minh chứng cho sức sống trường tồn của làng đá, nghề đá. Là bằng chứng về sự tài hoa cũng như những giá trị vững bền của nghệ thuật truyền thống đích thực đủ sức chống lại mọi sự lai căng, phá cách về văn hóa trong thời kỳ hội nhập ngày nay.
Mai Phương