Trong câu chuyện với CCB Nguyễn Văn Cử, phố 2, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình), ký ức của những ngày tháng "nằm gai, nếm mật" trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn còn như in trong tâm trí, dù lúc đó ông còn khá trẻ, mới 21-22 tuổi. Ông Cử cho biết: Tôi là lính bộ binh. Năm 1953, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và đồng đội ở Đại đội 914, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 hành quân từ Phú Thọ lên, chuẩn bị tinh thần cho trận đánh trực tiếp vào đồi Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi lính, theo bước cha anh, ông Cử cùng với đồng đội có những ngày tháng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", song vô cùng hào hùng và oanh liệt. Hệ thống trận địa tấn công và bao vây Điện Biên Phủ bao gồm đường giao thông hào trục sâu 1,6 m, rộng 1,2 m, có chỗ sâu tới 2,2 m chạy xung quanh phân khu Mường Thanh, cắt đứt phân khu này và phân khu Nam, giao thông hào nhánh sâu 1,7 m, rộng 0,5 m từ đường hào trục tỏa ra các hướng sát tới trận địa của địch.
Khi thực sự bước vào cuộc chiến, bộ đội ta rất quyết tâm và hăng hái, dù có phải hy sinh tính mạng cũng không chịu lùi bước. Lúc đầu thực hiện phương châm đánh nhanh, thắng nhanh nhưng sau được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta chuyển sang "Đánh chắc, tiến chắc". Các trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Quân ta và địch giằng co nhau, có lúc mình với địch chỉ cách nhau khoảng 100 m nhưng không hề thấy mặt nhau, bởi quân ta ở dưới giao thông hào tìm đánh vào đồn địch, còn địch cũng kiên trì giữ giao thông hào của chúng, nên cuộc chiến đấu rất gay go, đêm không dám ngủ, ngày thì thức… Lính Âu phi, lính Pháp to cao, có da trắng, da đen giữ trận địa cũng rất ngoan cường nên pháo ta cứ kéo vào trận địa lại phải kéo ra rất nhiều lần. Đơn vị ông được lệnh chiếm đồi Độc Lập, đánh rất nhiều lần không được, sau được sự phối kết hợp của các đơn vị bạn bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay địch, đơn vị dốc toàn lực tiếp tục tấn công và chiếm được đồi Độc Lập và nhiều trận địa khác…
Niềm vui chiến thắng pha lẫn niềm tự hào khi ông được lệnh giải 15 tên lính Âu phi về Tuyên Quang thực hiện trao trả tù binh cho phía địch. Những ngày tháng di lý tù binh về nơi tập kết cũng là những ngày tháng mang lại kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ. Quân địch hầu hết nói tiếng Pháp, lính Cụ Hồ ta chỉ học lỏm và biết vài ba từ tiếng Pháp… nhưng hô cũng rất to lớn, dõng dạc khiến những tên tù binh to cao hơn hẳn đều phải nem nép và nghiêm túc thực hiện theo mệnh lệnh. Đi tới đâu, bộ đội ta cũng được bà con các bản làng đi qua hoan hô, vẫy chào. Tổng kết cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cử được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Và ông tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ, cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Đối với ông An Quốc Bảo, cựu chiến binh phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) thì những địa danh như Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập luôn đọng lại trong ký ức về một thời trai trẻ xông pha nơi trận mạc. Giờ đã ở cái tuổi 96, lại trải qua vài lần tai biến nhẹ, song mỗi khi nhắc đến chiến trường Điện Biên Phủ, nhắc đến Bác Hồ, Bác Giáp thì ông Bảo như được tiếp thêm sức mạnh, trở nên nhanh nhẹn và minh mẫn đến lạ lùng. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bảo ở đơn vị pháo binh, Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, là trinh sát pháo binh thuộc trung đội chỉ huy, vì thế nhiệm vụ của ông là nắm bắt thông tin tính toán phần tử xạ kích để pháo binh ta bắn đúng và trúng mục tiêu. Cùng với những đồng đội của mình, ông Bảo đã khiến thực dân Pháp run sợ trước pháo binh của quân đội nhân dân Việt Nam và phất cờ trắng xin hàng vào ngày 7-5-1954.
Có một kỷ niệm mà cựu chiến binh An Quốc Bảo không thể quên đó là được tận mắt chứng kiến cảnh địch ra đầu hàng và niềm vui thắng lợi của bộ đội ta. Ông bồi hồi nhớ lại: "Khi chúng tôi đang phòng ngự ở trận địa, thấy cờ trắng trên tất cả các đồi, quân địch từ từ xếp hàng xin hàng. Trên đồi E, đồi D, đồi A1, lính cụ Hồ nhảy lên các chiến hào vỗ tay hoan hô vang dội, tất cả cùng reo mừng chiến thắng. Trong chiến tranh, đó là giờ phút hạnh phúc nhất, niềm vui to lớn nhất khi những công sức, sự hy sinh, mất mát của mình và đồng đội được đền đáp. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được…"
Năm nay bước sang tuổi 88, nhưng cựu chiến binh Lê Văn Việt, xóm Chùa, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) vẫn còn khỏe mạnh và khá minh mẫn. Ông kể rành mạch về quá trình chiến đấu của mình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là những câu chuyện về thời khắc ông cùng các chiến sỹ pháo binh đánh sân bay Mường Thanh - trận đánh quan trọng có tính chất mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông Việt cho biết, ông gia nhập Trường quân chính Trần Kiên, tỉnh Nam Định năm 1949 rồi vào Trung đoàn 45, thuộc Sư đoàn 351, Bộ Tư lệnh pháo binh. Năm 1950, đơn vị của ông được lệnh tiến quân lên Điện Biên, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa.
Cuộc hành quân bằng việc đưa những khẩu pháo nặng hàng tấn qua bao đèo cao, vực thẳm là chiến tích không phải đội quân của đất nước nào cũng có được, là bản hùng ca bất tử chỉ có riêng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của bộ đội pháo binh như ông nói riêng. Mỗi khẩu pháo phải huy động cả đại đội kéo, nhích từng chút một, mỗi người lính phải bầm chân đến tóe máu để giữ thăng bằng cho cả đại đội cùng giữ pháo. Pháo kéo vào trận địa khó khăn, nặng nề là vậy, nhưng khi vào tới nơi, chỉ chờ lệnh tấn công lại được lệnh kéo pháo ra, mà lúc ra còn gặp khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Ông Việt và đồng đội rất thắc mắc, sau đó mới được biết, để an toàn và chắc chắn, chỉ huy ta quyết định chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", tạo tiền đề cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Và trong trận đánh sân bay Mường Thanh, hỏa lực của Trung đoàn 45 của ông Việt bất ngờ giáng lên đầu kẻ thù những đòn sấm sét, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá hủy sân bay Mường Thanh, tiêu diệt nhiều máy bay, ngăn chặn cơ bản đường tiếp tế, chi viện của địch... góp phần tạo nên chiến thắng vang dội vào ngày 7-5-1954.
Chiến tranh đã đi qua từ rất lâu. Những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa giờ đã già, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn sống mãi trong trái tim họ và dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào, chân lý của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khao khát độc lập tự do mà còn là khí phách, ý chí của thế hệ cha ông để con cháu muôn đời sau noi gương, học tập.
Mỹ Hạnh