Kỳ Phú xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện dân chủ ở cơ sở là khâu đột phá. Từ năm 2006 đến nay, xã đã cử 4 cán bộ đi học đại học tại chức, 13 người được cử đi học các lớp trung cấp chính trị, phụ vận, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh... Hiện nay, nhiều cán bộ chủ chốt của xã đã có trình độ cao đẳng và đại học, cán bộ chuyên môn, các ban, ngành cũng có trình độ trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, Kỳ Phú cũng đã hoàn thành việc kiện toàn đội ngũ Trưởng bản bằng hình thức dân chủ trực tiếp, nhân dân bầu, đồng thời phối hợp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức theo quy định của Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Từ các giải pháp nâng cao trình độ và tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác giảm nghèo. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương về trồng rừng và chăn nuôi, UBND xã đã giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng bản, xây dựng phương hướng phát triển cây lương thực, trồng rừng gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Người dân trong xã, nhất là các hộ dân tộc thiểu số đã dần thay đổi phương thức canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, Kỳ Phú đã hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất dưa, lạc, lúa tại các bản: Xanh, Xăm, Phùng Thượng, Vóng, Sạng… Đối với các bản Tân Phú, Mét, Ao Lươn thì tập trung cho các loại cây công nghiệp và phát triển con nuôi đặc sản như: dê, hươu, nhím, ong. Từ đó, đã giúp nhiều hộ có điều kiện vươn lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống chỉ còn 14,2% (theo tiêu chí mới). Cùng với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của đội ngũ cán bộ, Kỳ Phú còn rất quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính thông qua việc triển khai thực hiện cơ chế "Một cửa". Tại bộ phận này, UBND xã niêm yết công khai quy trình các lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế "Một cửa", quy định về mức lệ phí làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ để nhân dân biết và thực hiện. Mặt khác, Kỳ Phú còn đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ thông qua việc công khai cho người dân biết về tình hình thu, chi ngân sách hàng năm; các chủ trương xây dựng đời sống văn hóa; các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; quy hoạch sử dụng đất hàng năm... Đối với các công việc khác như: mức đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường giao thông liên bản, kiên cố hóa trường lớp, kênh mương nội đồng, bình xét các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ở theo Đề án 02, 06 của Thường trực HĐND tỉnh... thì người dân được trực tiếp bàn bạc thống nhất và quyết định. Bằng cách làm đó, Kỳ Phú đã tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, 100% đường giao thông liên bản, liên xã của Kỳ Phú được bê tông hóa, rải nhựa hoặc cấp phối, trường Tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Kỳ Phú tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của chính quyền nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Quốc Khang