Trong chương trình làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 5 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Đà Nẵng.
Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng hồ sơ trình dự Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vì phạm vi sửa đổi lần này khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn về cơ sở, nguyên nhân và lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong Luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) khẳng định việc sửa đổi Luật Quản lý thuế nhằm tạo cơ sở pháp luật, thống nhất chính sách về quản lý thuế, đồng bộ các luật thuế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và định hướng theo thông lệ quốc tế. Các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội sẽ giúp ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo Luật, khắc phục những hạn chế bất cập về chính sách cùng với cơ chế còn nặng về thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng nợ đọng thuế còn cao.
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật. Tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng:thực tiễn triển khai và thi hành Luật Đầu tư công năm 2015 đã bộc lộ một số bất cập, chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện.
Đại biểu dẫn chứng: Thực tế thời gian qua cho thấy các dự án do ngân sách địa phương chi trả lại được xử lý nhanh, còn vốn từ Trung ương phân bổ cho các dự án lại chậm trễ, khó giải ngân. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục được những tồn tại trên, trong đó tập trung sửa đổi nội dung cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.
Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Góp ý về Dự án Luật "Phòng, chống tác hại của rượu, bia", đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng cần phải xác định đối tượng, mục tiêu điều chỉnh luật lần này là "rượu, bia" hay là "hành vi lạm dụng rượu, bia", có như vậy mới có tên gọi chính xác của Luật. Đại biểu cho rằng: Do sử dụng không đúng cách mới gây ra tác hại. Vì thế dự thảo luật nên hướng đến điều chỉnh những hành vi lạm dụng rượu, bia. Theo đại biểu, nên lấy tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" hoặc "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn" để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia. Ngoài ra, đại biểu góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật...
Cùng tham gia góp ý về dự thảo luật Luật "Phòng, chống tác hại của rượu, bia",đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã góp ý cụ thể vào các điều 39, điều 34. Theo đại biểu, dự thảo quy định: Không được sử dụng lao động là người dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia" (khoản 3, điều 34) là khó khả thi trong thực tiễn, nhất là đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị khoản 1, điều 9 nên sửa thành: "Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không được uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc" thay vì quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc không được uống rượu, bia".
Mai Lan