Mở đầu phiên họp, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quan tâm, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều việc làm thiết thực đã chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước gặp khó khăn trong cuộc sống, vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, để lại sự khắc khoải khôn nguôi trong lòng những người mẹ, người vợ, người thân yêu trong gia đình cũng như mỗi trái tim người con đất Việt.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giúp đỡ thiết thực, toàn diện và có hiệu quả để thực hiện bằng được mục tiêu: Các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách ưu đãi người có công và giám sát việc tổ chức thực hiện để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phiên họp được Truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Phát biểu tại hội trường, đa số đại biểu đánh giá cao tính nhân văn sâu sắc của 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến người nghèo, những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, qua đó thể hiện tinh thần "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu Quốc gia trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Cân đối, bố trí kinh phí hợp lý giữa các đề án và tiểu đề án; chương trình cần thể hiện rõ sự kết nối giữa các ngành liên quan, đặc biệt là sự vận động, chung tay của các doanh nghiệp trong vấn đề liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên về tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm ở những huyện, xã nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nhằm giúp cho địa phương, người dân yên tâm sản xuất; ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư; xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa; đồng thời đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư…
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Cần rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm một số hạn chế trong quản lý và giám sát, đo lường từ Bộ tiêu chí đánh giá kết quả của giai đoạn trước; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp. Các tiêu chí đánh giá cần linh hoạt, sát với thực tiễn để đảm bảo tính khả thi, tránh quá sức với nhiều địa phương. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng là chìa khóa cho việc triển khai thành công Chương trình. Ưu tiên phát triển sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn và chuỗi liên kết. Tiếp tục có các giải pháp công nghệ để giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn…
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết: về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.
Mai Lan