So với các kỳ họp trước, Quốc hội đã dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước đối với nội dung này. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tính đến hết ngày 12/6, đã có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thông qua Phiếu xin ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn đại biểu Quốc hội được tổng hợp từ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ ba của Quốc hội. Đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lựa chọn những vấn đề cần đưa ra để đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.
Để hoạt động chất vấn đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cần nêu câu hỏi ngắn, gọn, rõ ý, nằm trong phạm vi nội dung của các nhóm vấn đề đã chọn. Đồng thời để tăng cường tính đối thoại, xây dựng giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Phiên chất vấn sẽ tiếp tục sử dụng quyền tranh luận để giúp cho đại biểu thực hiện việc tranh luận.
Về phía người trả lời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, không né tránh và đặc biệt phải xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, giải pháp thời gian tới nhằm tạo cơ sở để Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ trước Quốc hội và trước nhân dân, cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ; làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành triển khai thực hiện đúng và cũng như để cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát.
Sau phần khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhóm vấn đề thứ nhất, đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Các ý kiến chất vấn tập trung vào các nội dung: Giải pháp đột phá, lộ trình thực hiện có hiệu quả và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển công nghiệp bền vững; công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn nhóm vấn đề 1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia trả lời chất vấn để giải trình, làm rõ thêm những nội dung có liên quan. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời nhóm vấn đề thứ 2, đó là quản lý hoạt động văn hóa, vấn đề đạo đức xã hội, chất lượng du lịch.
Các ý kiến chất vấn tập trung vào các nội dung: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; gỉai pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch...
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề cấp phép bài hát, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu vấn đề: Bộ trưởng có trả lời Cục Biểu diễn nghệ thuật không có bất kỳ một văn bản hành chính nào cấp phép cho 324 bài hát, trong đó có bài Quốc ca, đây chỉ là cập nhật danh sách các bài hát lên Websize, thể hiện tinh thần đơn giản thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cái sai ở đây là 324 bài hát này nằm trong danh mục các bài hát mới được cấp phép. Do đó bị dư luận hiểu nhầm là cấp phép 324 bài hát, trong đó có bài Quốc ca.
Đại biểu Bùi Văn Phương đặt lại vấn đề: Giả sử đây là cấp phép thật thì có sai không? Nếu sai thì chúng ta hiểu những quy định tại Nghị định 15/2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu: "Tổ chức cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Biểu diễn nghệ thuật. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Biểu diễn Nghệ thuật tổ chức thẩm định và quyết định cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
"Vậy nếu việc cấp phép của Cục biểu diễn nghệ thuật là sai thì những quy định trên tại Nghị định 15 của Chính phủ sẽ hiểu và thực hiện như thế nào?"- Đại biểu Bùi Văn Phương chất vấn.
Với câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương, Chủ tịch Quốc hội cho phép Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện được trả lời bằng văn bản.
Mai Lan