Tổng cộng có trên 130 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và trên 200 chất vấn đã được đặt ra, được trả lời, được thảo luận tại Hội trường. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn, tập trung vào các vấn đề: Tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thực trạng liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong nông nghiệp và giải pháp đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Các chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu cá và các phương tiện, ngư cụ để đánh bắt xa bờ, khai thác nguồn lợi thủy sản nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ và phát triển ngư trường...
Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời tập trung vào các nhóm vấn đề: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần hội nhập kinh tế-quốc tế sâu rộng hơn; công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính để điều hành thị trường thông suốt từ sản xuất tới lưu thông, từ phân phối tới tiêu dùng đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh cao; giải pháp đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, độc hại ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ đối với các mặt hàng thiết yếu điện, xăng, dầu, sữa và các mặt hàng khác theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời chất vấn tập trung vào những nội dung chủ yếu: Giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; Việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn tập trung vào những các nội dung: Các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới…
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã nêu vấn đề: Theo Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học được Bộ đánh giá có thể nói là rất tốt. Các nước có nền giáo dục phát triển người ta cũng làm như vậy. Nhưng chúng ta khi triển khai thì không nhận được sự đồng tình của xã hội, ngay cả đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng chưa thật đồng tình. Xin Bộ trưởng cho biết nền giáo dục Việt Nam đã đạt được trình độ nền giáo dục phát triển hay chưa? Nếu chưa thì chúng ta áp dụng Thông tư 30 này đã phù hợp với thực tế giáo dục Việt Nam hay chưa? Cử tri cũng có ý kiến rằng một số vấn đề giáo dục chúng ta học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng học tập máy móc, không phù hợp với thực tế Việt Nam và nhiều việc khi triển khai xong cuối cùng quay trở về làm như cũ. Xin Bộ trưởng có bình luận gì về nhận xét của cử tri?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khi triển khai đánh giá học sinh tiểu học (học tập theo kinh nghiệm nước ngoài) có một số trục trặc, nên cử tri lo lắng là sao chép một cách máy móc và có thể dẫn đến thất bại. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Vấn đề học tập kinh nghiệm quốc tế về đánh giá học sinh tiểu học, Bộ ý thức học tập sâu sắc, không sao chép máy móc, mọi sự sao chép máy móc đều dẫn đến thất bại. Mô hình thiết kế mà chúng ta triển khai thí điểm đang thực hiện ở những tỉnh rất khó khăn của đất nước như ở Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hòa Bình. Và thực tế, mô hình được triển khai rất tốt, hiệu quả, không có trục trặc gì. Nên đây là vấn đề về nhận thức, tâm lý, về thói quen. Bao giờ ở những bước đầu tiên thì không thể ngay ngắn, thẳng hàng hết tất cả. Hoặc có thể do sơ xuất ở một vài công tác tập huấn của Bộ cần phải rút kinh nghiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin tiếp thu, rút kinh nghiệm và xin cảm ơn đại biểu về lời cảnh báo, nhắc nhở.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội đã chọn đúng và trúng nội dung chất vấn, bao gồm những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Đây cũng là những vấn đề chiến lược lâu dài, được đồng bào cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng tập trung vào vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt lại câu hỏi để cùng Bộ trưởng làm rõ nội dung quan tâm. Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp tục có các giải pháp tích cực để khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề gai góc, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm về cá nhân mình và đề xuất giải pháp để thực hiện quyết tâm làm chuyển biến tình hình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, sau phiên họp này, Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết, nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực vừa được chất vấn. ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức các buổi giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách, nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri trong yêu cầu phát triển của đất nước.
Mai Lan