Trong đó đáng chú ý là các tờ trình về việc thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tờ trình về việc đề nghị thông qua Chương trình số 65/CT-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh về phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tờ trình về việc sửa đổi Điểm a, b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh quy định mức học phí, học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 của tỉnh Ninh Bình.
Theo tờ trình về việc thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 142 chợ, tăng 32 chợ so với số chợ hiện tại, trong đó: giữ nguyên 26 chợ, nâng cấp, cải tạo 66 chợ; xây mới trên nền cũ 6 chợ; di dời, xây mới 7 chợ, xóa bỏ khỏi quy hoạch 5 chợ; phát triển mới 37 chợ. Xây mới và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản. Đảm bảo mỗi chợ phục vụ 7.300 dân, bán kính phục vụ không quá 1,7km/chợ....
Việc quy hoạch, phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn toàn đảm bảo quy mô cơ cấu, tính chất và công năng tương thích với nhu cầu của lưu thông hàng hóa và thị trường của từng địa bàn. Đồng thời sắp xếp vị trí hợp lý những chợ chưa có địa điểm phù hợp theo quy hoạch; những chợ hiện có cần phải di dời, nâng cấp; phát triển thêm chợ mới ở những địa bàn mà mật độ chợ thấp, các khu dân cư mới; phát triển chợ chuyên doanh về nông sản, rau quả, thủy sản ở một số khu vực tiêu thụ tập trung.
Chủ tọa điều hành kỳ họp.
Theo tờ trình về việc sửa đổi Điểm a, b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 26 ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh quy định mức học phí, học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021 của tỉnh Ninh Bình, mức học phí mới sau khi điều chỉnh tăng từ 2 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/học sinh/tháng và được áp dụng từ năm học 2018 - 2019.
Mức học phí các môn tự chọn sau khi điều chỉnh tăng từ 1 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng/tháng tùy theo môn học; Học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các xã bãi ngang đặc biệt khó khăn khi được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc đạt chuẩn NTM thì áp dụng mức học phí khu vực miền núi đến hết năm; từ các năm tiếp theo, học sinh các xã này áp dụng mức học phí khu vực nông thôn.
Tờ trình về việc đề nghị thông qua Chương trình số 65/CT-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh về phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời đây sẽ là căn cứ quan trọng để Ninh Bình xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển mạnh phân khúc nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở khu vực nông thôn; thực hiện các chỉ tiêu kỹ thuật, tạo cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn cho tỉnh, giai đoạn từ nay đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2030 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt mức 25 m2/sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người...
Trong phiên họp buổi chiều, HĐND tỉnh đã nghe các tờ trình của Thường trực HĐND về: chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2019; về việc ban hành nghị quyết về giải quyết vấn đề phát sinh từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021; nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.
Ngày mai (10/7), kỳ họp tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng: các đại biểu tiến hành thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Đinh Ngọc- Thùy Phương- Thế Minh