Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Trồng trọt, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản đồng tình với các quy định của dự thảo. Góp ý vào những điều khoản cụ thể, đại biểu đề nghị: Tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 7, đề nghị thay cụm từ "nông sản" bằng cụm từ "sản phẩm trồng trọt". Vì tại Điều 3, giải thích từ ngữ không có nội dung giải thích về cụm từ nông sản. đề nghị bổ sung danh mục giống cây trồng chính, danh mục giống cây trồng được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 (điều 76) thành "phát triển chợ đầu mối sản phẩm trồng trọt phải phù hợp với các quy định của nhà nước về phát triển, quản lý chợ" vì việc phát triển chợ đầu mối sản phẩm trồng trọt phải phù hợp với các quy định của nhà nước về chợ nói chung và theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ thì việc phát triển và quản lý chợ ngoài việc phù hợp với quy hoạch chợ còn bao gồm nhiều nội dung khác như: Quy định về đầu tư, xây dựng chợ, nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ, hoạt động kinh doanh tài chợ...
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã góp ý cụ thể vào các điều 15, điều 47, 48, 49 của dự thảo Luật Trồng trọt. Đại biểu cho rằng cần có quy định tổng thể về danh mục các chất sử dụng cho cây trồng. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần làm rõ danh mục "Loài cây trồng chính", danh mục giống cây trồng phải khảo nghiệm; Trình tự khảo nghiệm giống cây trồng mới; hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đối với tổ chức khảo nghiệm, cấp giấy công nhận giống cây trồng...
Trước đó buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sau đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã tham gia góp ý kiến về Khoản 3, Điều 69 và khoản 7 Điều 69 Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo đại biểu: Hiện nay, thẩm quyền xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu về pháp luật thuộc về Bộ Tư pháp; theo Khoản 1b Điều 22 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính thuộc về Văn phòng Chính phủ phủ theo Khoản 1b, Điều 7 Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát Thủ tục hành chính, xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về dân cư thuộc về Bộ Công an.
Trong khi đó chính quyền đặc khu chưa được trao thẩm quyền về các nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nên bổ sung vào Khoản 3 Điều 69 quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND đặc khu: "xây dựng, quản lý và duy trì Cơ sở dữ liệu của đặc khu về pháp luật, Cơ sở dữ liệu của đặc khu về thủ tục hành chính, Cơ sở dữ liệu của đặc khu về dân cư và nhà đầu tư; bảo đảm về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ Cơ sở dữ liệu của đặc khu về pháp luật, Cơ sở dữ liệu của đặc khu về thủ tục hành chính và Cơ sở dữ liệu của đặc khu về dân cư và nhà đầu tư vận hành liên tục, ổn định.
"Việc bổ sung thẩm quyền này sẽ góp phần giúp cho Chính quyền đặc khu thực hiện được trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu nêu ở Điều 66 của dự thảo Luật được thuận lợi hơn, đồng thời giúp cho chính quyền đặc khu có cơ sở pháp lý ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào tổ chức và hoạt động của chính quyền"- đại biểu Nguyễn Thành Công nói.
Góp ý về khoản 7 Điều 69 "nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường". Đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng: Với thẩm quyền được trao (của Chủ tịch UBND đặc khu) trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như quy định tại Khoản 7a Điều 69 Dự thảo Luật, hoạt động giao dịch đất đai ở đặc khu trong thời gian tới sẽ càng sôi động.
Để bảo đảm sự an toàn, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiến hành các giao dịch về đất đai và bất động sản, đồng thời bảo đảm được quản lý nhà nước, việc thiết lập hệ thống đăng ký đất đai, bất động sản và các biến động liên quan tới đất đai và các bất động sản khác diễn ra trong địa bàn đặc khu là rất cần thiết.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 01 ngày 06 tháng 1 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai khoản 4, Điều 2 thẩm quyền tiến hành các hoạt động đăng ký này thuộc về cấp tỉnh. Điều này rất không thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn đặc khu. Chính vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 7 Điều 69 của dự thảo luật quy định cho phép: Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu được thành lập và duy trì hoạt động văn phòng đăng ký bất động sản để đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Mai Lan