Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 14 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Điện Biên, Quảng Bình.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)gồm 10 Chương với 137 Điều. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Thảo luận ở tổ về dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng rất cần thiết phải có luật này và cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện sự đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.
Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Tham gia góp ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, tại khoản 1, Điều 71của Dự thảo Luật có quy định: "Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, Nhà nước không giao tài sản hoặc hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cho tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp", điều này không nên đưa vào Dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nữa vì hiện tại Quốc hội đã và đang xây dựng luật về Hội. Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Phương cũng đã góp ý kiến về các điều 68, 69 và khoản 2, điều 70 của Dự thảo luật.
Cũng trong chương trình làm việc, buổi chiều Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án luật: Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật thủy lợi, sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Mai Lan