Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án và văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện, tạo động lực thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế; hỗ trợ nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Từ năm 2017 đến năm 2020, tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí để thực hiện Nghị quyết số 05 là 240 tỷ đồng, giao trực tiếp cho đơn vị tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra.
Để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp, Ninh Bình đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng đến quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với lợi thế của địa phương; đồng thời điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới cấp xã theo hướng phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.
Trên cơ sở Nghị định số 35 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, chuyển đổi linh hoạt trên 4 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các hình thức canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Nông nghiệp Ninh Bình đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt (giảm từ 57% năm 2015 xuống còn 52% năm 2020), tăng tỷ trọng thủy sản (tăng từ 14% năm 2015 lên 21% năm 2020); sản xuất theo định hướng thị trường gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trồng trọt duy trì, phát triển ổn định, cơ cấu cây trồng chuyển dịch dựa vào lợi thế vùng gắn với thị trường tiêu thụ trên cơ sở áp dụng thành tựu khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân và doanh nghiệp. Các vùng sản xuất rau, củ, quả truyền thống, có lợi thế của từng địa phương ngày càng mở rộng. Diện tích cây dứa năm 2020 đạt 3,2 nghìn ha (vượt 1,2 nghìn ha so với mục tiêu Nghị quyết số 05). Các vùng cây có múi, cây na phát triển thuận lợi, quy mô lớn, đặc biệt là các vùng nguồn tưới khó khăn như huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp. Ninh Bình còn là một trong những tỉnh sản xuất nấm lớn của miền Bắc, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn; sản lượng nấm tươi hàng năm đạt gần 4,6 nghìn tấn.
Phương thức chăn nuôi có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn và từng bước xây dựng được các vùng chăn nuôi trọng điểm, hiện đại, an toàn dịch bệnh. Trong giai đoạn 2016-2020, các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm... đã xảy ra trên địa bàn nhưng đã được kiểm soát, khống chế, không để lây lan diện rộng. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 đạt trên 1.961 tỷ đồng.
Thủy sản phát triển thuận lợi, tăng trưởng nhanh cả về nuôi trồng và khai thác, tiếp tục là mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được duy trì và bảo vệ tốt, các chỉ tiêu trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng mạnh qua các năm. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, hỗ trợ xác lập, duy trì, phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa đặc thù của tỉnh được quan tâm. Đã triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận như: Mật ong Cúc Phương, Trạch tả Ninh Bình, Đào phai Tam Điệp… Từ năm 2017 đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 456 đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp được đăng ký bảo hộ (tăng gần 1,7 lần so với năm 2016 trở về trước).
ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học vào sản xuất là điểm nhấn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 05. Công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã tăng từ 24,6% (năm 2017) lên gần 35% (năm 2020); tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đã tăng từ 3,4% (năm 2017) lên trên 10% (năm 2020); cơ giới hóa, tự động hóa được quan tâm đầu tư trong quá trình tổ chức sản xuất; trong đó mức độ cơ giới hóa các khâu đều đạt trên 80%; trên địa bàn tỉnh đã có tổng số 13 kho lạnh với thể tích 8.653m3, tích trữ tiêu chuẩn khoảng 3.500 tấn nông sản.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có một doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao). Bên cạnh đó, còn có trên 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản với quy mô, diện tích vùng nguyên liệu khoảng trên 700 ha, đã mang lại hiệu quả cao, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Giai đoạn 2016-2020, Ninh Bình đã quan tâm đầu tư kinh phí trên 2.456 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai với phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với phát triển du lịch; đáp ứng mục tiêu vừa phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, vừa phục vụ sản xuất, dân sinh như hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển huyện Kim Sơn, nuôi trồng thủy sản vùng trũng Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô; quan tâm đầu tư công trình tưới cho cây trồng cạn các vùng Nho Quan, Tam Điệp…
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT khẳng định: Mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 05-NQ/TU đã được các cấp, các ngành hoàn thành, hoàn thành vượt mức, đem lại các kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,02%. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi hợp lý từ chiều rộng (diện tích, năng suất, sản lượng) sang chiều sâu (năng suất, chất lượng, giá trị); sản xuất theo định hướng thị trường, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khoa học công nghệ, công nghệ cao đang được ứng dụng nhanh vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị, hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đổi mới các hình thức sản xuất, thúc đẩy sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Lựu
Kỳ 4: Để bắt nhịp nền nông nghiệp hiện đại