Kỳ 2: Phía sau những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch
Thứ Ba, 24/08/2021, 06:04
Zalo
Gần 5 tháng qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình được cử đi tăng cường cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để cùng với đồng đội vượt qua hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ "kép": bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân nơi vùng biên trước đại dịch COVID-19. Ở hậu phương quê nhà, những người vợ, người mẹ, người cha của họ cũng nỗ lực vượt khó, thay các anh gánh vác công việc gia đình, làm điểm tựa vững chắc giúp các anh vững vàng hơn nơi biên thùy. Những người đồng đội của các chiến sĩ tăng cường ở nơi quê nhà cũng không quên làm tốt công tác hậu phương quân đội. Tất cả đã làm nên những thành trì vững chắc cùng nhau đón các sĩ trở về trong khúc khải hoàn ca.
Kỳ 2: Phía sau những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch
Cùng các đồng chí ở Ban Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh) chúng tôi đến xóm Cộng Hòa, xã Yên Phong (Yên Mô), nơi có gia đình đại úy Lê Văn Thuận- một trong những người con của quê hương Ninh Bình đang làm nhiệm vụ tăng cường chống dịch tại Đồn Mỹ Quý Tây (thuộc Bộ Chỉ huy BĐPB tỉnh Long An).
Thấy chúng tôi đến, ông Lê Văn Vinh bố của đại úy Lê Văn Thuận rất vui, pha trà mời khách, ông bảo: Vậy là "hắn" (đại úy Lê Văn Thuận -PV) đã đi tăng cường vào Long An được gần 5 tháng rồi đấy! Tôi và bà xã cũng dần dần quen với việc không thấy bóng dáng của Thuận mỗi ngày. Tất cả cũng là nhờ phương tiện thông tin bây giờ đã hiện đại, nên mặc dù sóng ở biên giới chập chờn nhưng mỗi lần "hắn" gọi về nhà, được nghe giọng, được nhìn thấy khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, nỗi nhớ thương con cũng vơi đi phần nào.
Ông Vinh cho biết thêm: Thuận là con thứ hai trong gia đình. Tính tình hiền lành, luôn lo lắng, yêu thương cho bố mẹ, vợ con. Hôm tiễn con lên đường làm nhiệm vụ, mặc dù đã cố nén xúc động nhưng vẫn không ngăn nổi hai hàng nước mắt, tôi thương và lo cho nó lắm. Thương vì hai con của nó còn nhỏ (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi); còn lo là "nhiệm vụ kép" của các chiến sĩ còn dài và luôn đối mặt với hiểm nguy.
Thế rồi cuộc gọi đầu tiên khi Thuận đặt chân lên đất Long An, thấy bố mẹ, vợ con lo lắng, Thuận đã không ngừng động viên rồi nói: Thời tiết tuy có khắc nghiệt nhưng mọi thứ phục vụ sinh hoạt, ăn ở đều đầy đủ. Anh em chiến sĩ mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng chung một ý chí, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh. Hơn nữa ở đây chúng con còn có bà con nơi biên giới chở che, giúp đỡ… nên bố mẹ và gia đình xin hãy cứ yên tâm.
Kể về Thuận, những nếp nhăn trên khuôn mặt của người cha già dường như dãn ra, ánh mắt ông luôn lấp lánh niềm vui, xen lẫn tự hào về con trai của mình đang trưởng thành trong quân ngũ, được góp sức mình giữ cho Tổ quốc bình yên.
Chị Tống Thị Duyên, vợ đại úy Lê Văn Thuận ngồi kế bên rót nước mời khách rồi đỡ lời bố chồng: Lúc anh Thuận đi công tác tại Long An được mấy hôm, ở nhà con gái bị gãy chân. Hàng ngày, con thường xuyên được bố cưng chiều, quan tâm, khi ốm cháu lại càng làm nũng muốn được bố ở bên động viên, chăm sóc, tôi và ông bà nội phải giải thích để con hiểu.
Mỗi lần gọi điện cho bố, thấy bố phải ngủ ngoài trời, con có hỏi bố: sao không ở trong nhà?... rồi bố ơi, con sẽ cố gắng làm được nhiều tiền xây nhà cho bố ở đấy nhé!... Nhìn chung là cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng so với những vất vả của chồng và các chiến sĩ nơi biên ải chẳng thấm vào đâu. Vì vậy, tôi luôn động viên chồng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và cố gắng chu toàn việc nhà để anh yên tâm công tác.
Cũng như chị Duyên, chị Vũ Thị Vân- nữ điều dưỡng y tế (Trạm Y tế xã Gia Trấn - Gia Viễn) trong suốt 5 tháng qua từ khi chồng được cử đi tăng cường cho biên giới Tây Nam, chị đã phải đảm nhận hai vai: vừa làm mẹ, vừa làm cha của 3 con nhỏ. (Chị Vân là vợ Đại úy Bùi Đức Thưởng, Ban Tham mưu (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh) được cử đi công tác tăng cường tại Long An).
Nơi quê nhà, vợ đại úy Bùi Đức Thưởng, chị Vũ Thị Vân cũng miệt mài tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chị Vân cho biết: Khi chồng đi công tác, cuộc sống của gia đình cũng không ít xáo trộn. Con nhỏ, bản thân chị lại làm việc tại Trạm Y tế nên cũng thường xuyên phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh, của huyện, vì vậy cuộc sống gia đình càng thêm bận rộn, khó khăn. Tuy nhiên cũng là lực lượng thường xuyên xung kích nơi tuyến đầu, nên chị thấu hiểu công việc của chồng. Do đó, chị động viên bố mẹ của hai bên chăm lo giữ gìn sức khỏe, động viên con cái học hành để anh Thưởng yên tâm công tác.
Chị Vân chia sẻ: Bố mẹ già cũng đau ốm liên miên nhưng tôi không dám cho anh Thưởng biết, sợ ảnh hưởng đến công tác của anh. Những ngày gần đây, vì công việc ở Trạm Y tế xã và tham gia trực chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh nên tôi phải gửi con cho ông bà ngoại. Bà con ở quê tấm lòng rộng mở, biết ông xã của tôi đang tham gia tuyến đầu chống dịch, họ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi trong lúc gặp khó khăn nên những vất vả của cuộc sống cũng vơi đi ít nhiều.
Trò chuyện với những người mẹ, người cha, người vợ của các chiến sĩ, chúng tôi nhận thấy họ thật nhân hậu, dung dị và có tấm lòng hy sinh cao cả. Đó chính là sức mạnh hậu phương, chỗ dựa vững chắc cho những người lính quân hàm xanh thêm vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ biên cương.
Niềm tin chiến thắng
Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng bố mẹ và vợ của gia đình đại úy Lê Văn Thuận thì cô con gái đầu lòng của anh nhảy nhót như chú chim non và hỏi: "Mẹ ơi, khi nào bố về?". Ngôi nhà lại vang lên tiếng cười khi anh Thuận gọi điện thoại về nói chuyện.
Qua sóng điện thoại, anh Thuận cho biết: Sống và làm việc trong điều kiện khó khăn và hiểm nguy luôn rình rập, nhưng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn nhận được sự động viên kịp thời từ lãnh đạo chỉ huy đơn vị BĐBP tỉnh Ninh Bình, tỉnh Long An. Đặc biệt, sự quan tâm giúp đỡ của bà con địa phương, nên các cán bộ, chiến sĩ tăng cường đã nhanh chóng thích nghi điều kiện thổ nhưỡng cũng như làm quen với phong tục, tập quán, nắm chắc hơn địa hình biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Nghe con nói, ông Vinh vui lắm, không ngừng động viên con cố gắng và chờ tin con và đồng đội chiến thắng dịch COVID-19 để sớm trở về, ông nhắn nhủ: Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID- 19, khi cả nước đang căng mình để thực hiện các chiến dịch thì việc làm của con là vinh dự, bởi đã đóng góp được một phần công sức nhỏ bé của mình. Bố tin ở con và đồng đội. Cố lên con trai! Gia đình chờ tin quyết thắng!
Được biết, trong suốt thời gian các cán bộ, chiến sĩ được cử đi tăng cường, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng làm tốt công tác hậu phương quân đội, thường xuyên nắm bắt tình hình, thăm hỏi, động viên người nhà, người thân khi ốm đau…, để các đồng chí nơi tuyến đầu thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Và khi chúng tôi đang thực hiện phóng sự này đã nhận được điện thoại từ phía gia đình trung úy Dương Văn Tặng, anh thông báo một tin vui đó là người vợ của anh ở nơi quê nhà mặc dù sinh non nhưng đã "vượt cạn" thành công, hạ sinh cô con gái đầu lòng, "mẹ tròn con vuông". Cháu gái được gia đình đặt tên là Dương Hoài An với mong muốn con sẽ có một cuộc đời an nhiên.
Trong khó khăn của "cuộc chiến" chống đại dịch COVID-19, hậu phương của những người lính Biên phòng Ninh Bình được cử đi chi viện, chia lửa với tuyến biên giới Tây Nam cũng trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ chính là động lực, sức mạnh, giúp các cán bộ, chiến sĩ yên tâm chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Sự kiên cường của những người lính biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch cũng củng cố thêm niềm tin mãnh liệt nơi hậu phương về một ngày chiến thắng đại dịch COVID-19 của cả dân tộc đang đến gần. Tự hào thay những người lính Biên phòng, có các anh Tổ quốc mãi trường tồn!
Trong quá trình các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tăng cường, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Long An theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, cũng như động viên tinh thần, kịp thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Luôn luôn phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, gương mẫu đi đầu giúp dân chống dịch, tuyệt đối không dựa dẫm, ỷ lại.
Công tác phối hợp bảo đảm thường xuyên, chặt chẽ nên đến thời điểm hiện tại 100% cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh được cử đi tăng cường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chỉ huy đơn vị tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao- đồng chí Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khẳng định.