Trước đây, Cúc Phương là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan. Năm 2020, Cúc Phương đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã cho rằng, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, người dân địa phương không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đó là một thách thức cho công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới 2022-2025. Muốn giảm nghèo hiệu quả, không còn cách nào khác là địa phương phải làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để họ không lệ thuộc vào chính sách, chủ động phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế. Đồng hành cùng người dân trong giảm nghèo, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể sát cánh, có biện pháp hỗ trợ hội viên vươn lên.
Hiện nay, xã Cúc Phương duy trì hoạt động hiệu quả của 5 HTX, gồm HTX Nông nghiệp, Thảo dược, Hươu sao, đan bèo bồng và may mặc. Các HTX hỗ trợ hội viên không chỉ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi mà còn giúp đỡ về giống, vốn, thị trường tiêu thụ... Vì vậy, số hộ dân tham gia vào các HTX ngày càng đông, trở thành hướng phát triển kinh tế phù hợp trên địa bàn xã Cúc Phương.
Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng Phòng Lao động, TBXH huyện Nho Quan khẳng định: Trong giai đoạn 2016-2021, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác giảm nghèo.
Cuối năm 2021, tất cả 5 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã đạt tiêu chí nông thôn mới. Điều này cho thấy, chỉ cần có quyết tâm và khát vọng thoát nghèo thì các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự là "lực đẩy" để người nghèo vươn lên.
Bước vào giai đoạn mới này, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa khi các chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước không còn như giai đoạn trước. Các địa phương cần chủ động khai thác thế mạnh, biến khó khăn thành lợi thế để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Phòng Lao động, TBXH huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và du học nghề, thực hiện tốt chương trình cho vay vốn tạo việc làm, vốn xuất khẩu lao động...
Ở giai đoạn 2016-2021, trong 5 xã vùng bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn, có xã Cồn Thoi đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, xã Kim Hải và Kim Trung cũng đã được kiểm tra công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2021 này. Còn lại 2 xã Kim Tân và Kim Mỹ cũng có kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Lao động, TBXH huyện Kim Sơn cho biết: Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kim Sơn chiếm 1,6% theo tiêu chí giai đoạn 2016-2021 và trên 4% nếu áp theo tiêu chí giai đoạn mới 2022-2025.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách ngày càng thiết thực, phù hợp với thực tiễn thì yếu tố quan trọng là sự phấn đấu vươn lên của chính người nghèo. Từ quyết tâm của người nghèo, huyện đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả như: mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; xây dựng các đề án trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; chuyển đổi mùa vụ; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; tranh thủ các nguồn lực; ưu tiên ngân sách chi hỗ trợ về giống cây, con cho hộ nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trợ cước, trợ giá, phân bón; quan tâm xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi...
Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Kim Sơn đặt mục tiêu sẽ giảm 2/3 số hộ nghèo so với đầu giai đoạn. Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân mỗi năm 1,5 đến 2% theo chuẩn nghèo từng giai đoạn; toàn huyện phấn đấu không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách. Để thực hiện được các mục tiêu này, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tạo nguồn lực, động lực để người nghèo vươn lên mà không quá lệ thuộc vào các chính sách hỗ trợ theo kiểu cho không.
Trong 2 năm qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Ninh Bình vừa tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo ngành, đơn vị thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Nhà nước. Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động, TBXH khẳng định: Cùng với thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo theo quy định của Nhà nước, tỉnh Ninh Bình còn ban hành một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất; tín dụng ưu đãi cho vay học nghề, tạo việc làm, du học nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ toàn bộ kinh phí đón công dân từ các tỉnh phía Nam trở về; hỗ trợ công dân tỉnh ngoài khi về qua địa phận tỉnh... Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở tỉnh ta không chỉ giảm nhanh qua mỗi năm mà còn thực sự bền vững.
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song các chỉ tiêu về giảm nghèo của tỉnh vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Thời điểm này, công tác tổng rà soát hộ nghèo của tỉnh đã dần hoàn tất. Bên cạnh việc xác định được hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương cần nắm được hoàn cảnh của từng hộ nghèo để chủ động có phương pháp hỗ trợ hiệu quả. Hiện nay, số hộ nghèo của tỉnh không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cần nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh để đề xuất, ban hành các chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế, để các chính sách phát huy hiệu quả.
Quan trọng nữa, các chính sách thiết kế cần giảm thiểu việc "cho không", chuyển dần sang hình thức hỗ trợ có điều kiện, để người nghèo phát huy nội lực, tự giác vươn lên. Có như vậy, mỗi hộ nghèo không chỉ thoát nghèo mà còn là thoát nghèo bền vững.
Đào Hằng
Kỳ 1: Tổng rà soát hộ nghèo - Cơ sở hoạch định chính sách phù hợp