Vụ đông xuân của tỉnh cơ bản hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 20-2-2009, vượt kế hoạch từ 5-7 ngày và nhanh hơn so với vụ đông xuân năm 2008 đến 15 ngày. Tổng diện tích vụ đông xuân toàn tỉnh đạt 40.759 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó có tới 14.990 ha lúa cao sản. Đây là vụ đầu tiên thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chính sách hỗ trợ phát triển diện tích lúa có năng suất cao (lúa cao sản) nên các địa phương tích cực hưởng ứng. UBND tỉnh đã tạm cấp số tiền gần 4,6 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mua giống sản xuất lúa cao sản vụ đông xuân 2009 cho các huyện, thành phố, thị xã và Trung tâm khuyến nông tỉnh. Hiện nay, lúa đông xuân đang phát triển khá tốt. Các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân làm xong cỏ đợt 1 và đang tiếp tục chăm bón, làm cỏ đợt 2 và phòng trừ một số loại sâu bệnh, chuột phá hoại. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã trồng được 8.769 ha cây màu vụ xuân, trong đó có 4.419 ha lạc, 1.714 ha ngô, 1.440 ha rau các loại…
Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm nay có giảm, song đang dần được phục hồi và hy vọng sẽ tạo đà phát triển trong các quý sau. Những biến động của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế - xã hội nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Quý I, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do sự tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu, làm cho một số doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm dẫn đến giảm sút về sản lượng như: Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp giảm 78,9%; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình giảm 77,7%; Công ty cổ phần Bê tông - thép Ninh Bình giảm 58,5%; Công ty xi măng Tam Điệp giảm 27,8%; Xi măng The VISSAI giảm 21,2%; Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình giảm 3%... Một số mặt hàng chủ lực có tổng giá trị lớn như: thép, clinker, đá dăm, phân lân, phân hỗn hợp NPK, điện sản xuất đều giảm mạnh.
Tuy vậy, sau 3 tháng đầu năm 2009, nhìn một cách tổng thể, giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình mặc dù có giảm, song lại đang có chiều hướng phục hồi và tăng. Tháng 1-2009, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3-2009, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 6,9% so với tháng 3 năm trước. Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp quý I chỉ còn giảm 2,2%. Một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của tỉnh trong quý I năm nay vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Xi măng tăng 21%; khung kết cấu bằng thép nặng tăng 58%; quần áo may mặc tăng 32,1%; quả và hạt chế biến tăng gấp 6,3 lần… Điều đó cho thấy các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã được tỉnh ta tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ cả 4 nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tài chính, tiền tệ; đảm bảo an sinh xã hội, nên sản xuất công nghiệp của tỉnh đang từng bước khắc phục được tình trạng suy giảm.
Tổng vốn đầu tư phát triển quý I tăng cao, ước đạt 2.099 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Về thu hút đầu tư, trong quý I, đã có 25 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2 dự án đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài với số vốn đăng ký là 32 triệu USD.
Công tác tài chính, tín dụng và các hoạt động dịch vụ có bước phát triển. Thu ngân sách tăng; đến hết quý I đạt 388 tỷ đồng, trong đó thu thuế, phí tăng 12,9%. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân vay vốn, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng hết tháng 3/2009 đạt 12.285 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Nguồn vốn trên đã góp phần làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả và phát triển. Người lao động tại các doanh nghiệp vẫn có việc làm và thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Giá trị kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 6,5 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng tháng năm trước. Thị trường hàng hóa dồi dào, chỉ số giá tiêu dùng nhìn chung khá ổn định, cả quý I chỉ tăng 0,53%. Hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh ta từ đầu năm đến nay phát triển mạnh. Lượng khách đến Ninh Bình tăng nhanh, nhất là vào các ngày nghỉ, chủ yếu là các điểm chùa Bái Đính, khu hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động… Quý I, đã có 638.000 lượt khách đến du lịch, tăng 71,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 59,2 tỷ đồng, tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Các hoạt động văn hóa xã hội có tiến bộ; các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo; đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Sửu 2009 được tổ chức, đảm bảo được yêu cầu vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Ngành Giáo dục - Đào tạo có số học sinh giỏi tăng hơn so với học kỳ I năm trước. Ngành Y tế tích cực triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch, bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động TDTT thu được nhiều kết quả. Đội bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình giành chức vô địch cúp Hùng Vương 2009. Đội bóng đá Xi măng The Vissai thắng trên sân nhà ngày 11-4 và đang vươn lên dẫn đầu giải hạng Nhất quốc gia - Cúp SINO 2009. Thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, quan tâm đến đời sống nhân dân, đặc biệt là hộ gia đình chính sách và người nghèo. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức cấp phát 15.465 triệu đồng ngân sách Trung ương, 612 triệu đồng ngân sách địa phương và 2.000 tấn gạo đến tay người nghèo. Tích cực chỉ đạo việc xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở dột nát, đến nay đã hoàn thành được 999 nhà, đạt 88,8% kế hoạch của cả 2 năm 2008-2009. Hoàn thành việc khảo sát, thống kê các hộ khó khăn về nhà ở để thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác lao động, việc làm, đào tạo nghề được quan tâm, nhất là đối với những người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đời sống nhân dân vẫn cơ bản ổn định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quý I, vẫn còn những tồn tại, đó là: Một số doanh nghiệp chưa chủ động tìm cách tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh suy thoái kinh tế, dẫn đến gặp khó khăn, bị thu hẹp sản xuất. Dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Tai nạn giao thông còn tăng…
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, trong thời gian tới, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã được cụ thể tại Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 26-2-2009 của UBND tỉnh. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa đông xuân và hoa màu; tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; đồng thời làm tốt công tác phòng, chống lụt bão. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; rà soát cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện các thủ tục xây dựng, đôn đốc tiến độ thi công và giải ngân. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm: Các dự án tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các dự án giao thông, các dự án phát triển công nghiệp, các công trình phòng, chống lụt bão… Đẩy mạnh công tác thu ngân sách. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động lễ hội, tôn giáo, dịch vụ du lịch. Nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trọng tâm là giảm hộ nghèo. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Nguyễn Đông