Sản xuất công nghiệp đạt giá trị 33,15 nghìn tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010), tăng 21% so với năm 2014. Một số dự án công nghiệp đi vào hoạt động và phát huy công suất: Nhà máy camera và linh kiện điện tử, xi măng Hệ Dưỡng, phân đạm Ninh Bình…Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sản lượng tăng khá: Xe ô tô đạt 3.212 chiếc, tăng 72,7% so với năm 2014; Camera module tăng 80,9%; phân đạm tăng 4,1%; kính xây dựng tăng 6,7%; thép cán các loại tăng 3,2%...Nhờ chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy hiệu quả không chỉ làm phục hồi và phát triển tích cực sản xuất công nghiệp mà còn tạo điều kiện và thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp mới.
Trong năm 2015 thành lập mới 624 doanh nghiệp, tăng 18,4% so với năm trước với tổng vốn đăng ký đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%. Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư mới được tiếp tục quan tâm chỉ đạo với 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 3,7 nghìn tỷ đồng; trong đó có 18 dự án tại các khu công nghiệp, vốn đăng ký đạt 1,9 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản phẩm được nâng lên mặc dù bị ảnh hưởng của diễn biến thời tiết khí hậu bất thường (nắng nóng, hạn hán cục bộ…). Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 107,6 nghìn ha, giảm 0,8% so với năm trước; trong đó: Diện tích cây lương thực có hạt đạt 86,1 nghìn ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 499,1 nghìn tấn, giảm 1,8% so với năm 2014.
Mặc dù sản lượng lương thực có hạt giảm nhưng giá trị sản phẩm được tăng lên do diện tích lúa chất lượng cao tăng, chiếm 42,4% tổng diện tích gieo cấy và giá bán lúa chất lượng cao gấp 1,2-1,5 lần so với lúa thường; nhiều diện tích ngô lấy hạt được chuyển sang sản xuất ngô rau và làm thức ăn gia súc nên giá trị tăng lên.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với năm trước: Đàn trâu 14,3 nghìn con, tăng 0,3%; đàn bò 30,1 nghìn con, tăng 1%; đàn gia cầm 4,3 triệu con, tăng 3,5%...so với năm trước. Nuôi trồng thủy sản phát triển, diện tích nuôi đạt 11,1 nghìn ha, tăng 2,8%; sản lượng đạt gần 41,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành phong trào sâu rộng của quần chúng nhân dân với việc huy động được nhiều nguồn lực vào thực hiện.
Đến nay toàn tỉnh đã có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 33,6% tổng số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, vượt 60% so với kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2011 - 2015. Các địa phương đã tiếp nhận gần 130 nghìn tấn xi măng, xây dựng gần 1000km đường giao thông nông thôn. Riêng trong năm 2015 tiếp nhận 30 nghìn tấn xi măng và xây dựng được 200km đường giao thông nông thôn.
Thu ngân sách nhà nước được chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt. Các nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí, thu hoạt động xuất nhập khẩu và thu khác ngân sách đều vượt dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.520 tỷ đồng, tăng 12,73% so với năm 2014, vượt 9,4% dự toán HĐND giao; trong đó: thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác đạt 2.240 tỷ đồng, vượt 5,8% dự toán HĐND tỉnh giao; thu tiền sử dụng đất đạt 600 tỷ đồng, bằng 75% dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 650 tỷ đồng, bằng 240,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước đạt 28.567 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước; tổng dư nợ cho vay đạt 42.436 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Trong năm đã có 99 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với dư nợ đạt 1.794 tỷ đồng, tăng 8,53% so với 31/12/2014. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh với tốc độ tăng trên 15% và đạt 974,4 triệu USD, tăng 10,2% so với năm trước. Tuy bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu và những bất ổn trong khu vực…nhưng số khách du lịch đến Ninh bình vẫn đạt 6 triệu lượt người, tăng 39,5%; doanh thu ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2014...
Về mục tiêu của năm kế hoạch 2016, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2015; dự báo tình hình trong nước và Quốc tế; khả năng và chiều hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà phấn đấu có tốc độ tăng trưởng khoảng 7,75%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng nông nghiệp còn khoảng 14%; thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm; giá trị/ha canh tác đạt 100 triệu đồng; thu ngân sách 4.787 tỷ đồng.
Một số chủ trương và giải pháp là: Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng bền vững; giữ vững ổn định tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ du lịch, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Duy trì và phát huy công suất của các nhà máy sản xuất công nghiệp chủ lực hiện có: xi măng, thép, phân urê, lắp rắp ô tô, kính nổi…
Chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực vào các lĩnh vực có giá trị kinh tế lớn. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững; khuyển khích thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng lớn.
Về nông nghiệp, triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hóa. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường gắn kết sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ.
Tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nhất là ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với các khu trang trại tổng hợp chất lượng có liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường.
Đẩy mạng công tác thông tin xúc tiến thương mại, nghiên cứu các thị trường; phát huy hiệu quả của di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An.
Trường Sinh