Kết quả đó cho thấy những giả pháp kích cầu của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của cán bộ và nhân dân trong tỉnh nên đã đạt được kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả khả quan
Do tập trung quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế nên tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 tăng 13,24% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức tăng cùng kỳ các năm trước, đây là tốc độ tăng không cao nhưng lại là một thành công của tỉnh ta xét trong bối cảnh cảnh suy thoái kinh tế. Sản xuất công nghiệp, mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng do chủ động tháo gỡ khó khăn nên sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng được khôi phục và tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước như xi măng và clinker đạt 1,7 triệu tấn, tăng 41%; sắt tròn phi 8 trở xuống đạt 28,8 ngày tấn, tăng 44,5%; quả và hạt chế biến đạt 370,5 tấn, tăng gấp 12 lần... Kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm, được mùa tương đối toàn diện, năng suất lúa đông xuân năm nay của cả tỉnh đạt 63,74 tạ/ha, riêng lúa cao sản đạt trên 70 tạ/ha đưa sản lượng cây lương thực có hạt đạt 271,5 nghìn tấn, bằng 54,2% kế hoạch cả năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta không ngừng được mở rộng với 7.610 ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ, sản lượng thủy sản 6 tháng đạt 8.628 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2008.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế tỉnh ta 6 tháng vừa qua là công tác thu hút nguồn vốn đầu tư. Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng đảm bảo chặt chẽ và có chọn lọc đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong 6 tháng, Ninh Bình đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho 16 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 2.592 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài 70,32 triệu USD. Cùng với hoạt động sản xuất, dịch vụ du lịch diễn ra sôi động, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế đang lên và nhiều triển vọng của Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã đón trên 1,2 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú, đạt doanh thu 114,1 tỷ đồng, tăng 56,7% so với cùng kỳ. Cùng thời gian này, công tác quy hoạch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tiếp tục chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỉnh đang tích cực chỉ đạo đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ, khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch và các công trình phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từng bước tạo ra diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình, đưa tỉnh ta trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước.
Sự điều hành quyết liệt
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, sản xuất gặp nhiều khó khăn, song nhờ có sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, quyết liệt, nên các khó khăn đã từng bước được tháo gỡ. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ và cụ thể là Quyết định 181 về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội đến tất cả các ngành, huyện, thị xã, thành phố. Các cấp, các ngành đã triển khai nhanh chóng nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ và của tỉnh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng và có hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân. Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, UBND tỉnh đã tranh thủ chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ, đi đôi với tiếp tục thu hút vốn đầu tư cải thiện hạ tầng phục vụ phát triển kinh - tế xã hội năm 2009 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các chủ đầu tư thực hiện dự án tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua cải thiện công tác đấu thầu, công tác phân cấp quản lý đầu tư. UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như: xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, bệnh viện 700 giường, dây chuyền II các Nhà máy xi măng The Vissai, Hướng Dương... Các Sở Nông nghiệp và PTNT, Công thương phân bổ nhanh chóng nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư kịp thời hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm đã có 15.100 khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng dư nợ cho vay đạt 3.408 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của ngân hàng nhiều doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Có thể thấy trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta vẫn đạt 13,24% là một thành tựu rất đáng trân trọng. Tuy nhiên trước mắt vẫn còn không ít khó khăn và thách thức, đó là những biến động khó lường của kinh tế thế giới, là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút hoặc tuy có tăng nhưng chưa đạt kế hoạch; dịch vụ phục vụ khách du lịch còn yếu, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao… Vì vậy, từ nay đến cuối năm tỉnh ta cần phát huy mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và phấn đấu quyết liệt hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2009.
Quốc Khang