Đồng chí Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Toàn xã có hơn 4 nghìn nhân khẩu, sản xuất của nhân dân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, do đó công tác phòng, chống bão lụt hết sức cần thiết và quan trọng.
Để chủ động, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, hàng năm, UBND xã đã lập phương án PCTT&TKCN, phương án di dân...
Các phương án đều đảm bảo thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khẩn trương khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.
Theo phương án di dân xã Kim Trung đã thành lập, với bão cấp độ 1 có sức gió từ cấp 7 đến cấp 8 sẽ thực hiện di dân từ phía ngoài đê Bình Minh 2 vào bên trong, tạm trú tại các nhà kiên cố.
Bão cấp độ 2 có sức gió từ cấp 9 đến cấp 10 thực hiện di dân tại chỗ từ nhà tạm sang nhà kiên cố.
Bão cấp độ 3 có sức gió từ cấp 11 đến cấp 12, trên cấp 12 và siêu bão thực hiện di dân từ phía ngoài đê Bình Minh 1 vào thị trấn Bình Minh, trường học và các nhà kiến cố trong thị trấn.
Để thực hiện tốt kế hoạch, phương án PCTT&TKCN cũng như phương án di dân, Kim Trung coi việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" là yếu tố quan trọng nhất. Về chỉ huy tại chỗ, xã đã thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN, đây sẽ là bộ phận chịu trách nhiệm chỉ huy kịp thời, chính xác trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Lực lượng tại chỗ được bố trí, phân cử trong 6 xóm cùng một trung đội dân quân cơ động nòng cốt, công an xã và đoàn thanh niên, tổng số gần 200 người.
Lực lượng này được tập huấn về nhiệm vụ, địa điểm thực hiện trong từng tình huống cụ thể. Vật tư tại chỗ được chuẩn bị là bao tải, cọc tre, đèn pin... và các phương tiện như xe vận tải, thuyền máy đầy đủ nhiên liệu, sẵn sàng được điều động.
Ngoài ra, để đảm bảo yếu tố hậu cần tại chỗ, xã Kim Trung đã chuẩn bị 5 tấn gạo, lượng lớn lương khô, mỳ tôm, nước uống... đề phòng trường hợp thiên tai xảy ra trong thời gian dài.
Thời gian qua, Kim Trung cũng chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc phòng, chống thiên tai cho người dân. Người dân đã nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm và những hệ quả khôn lường do thiên tai gây ra. Sự thay đổi trong nhận thức ấy được thể hiện cụ thể bằng hành động thực tế.
Ông Vũ Văn Sơn ở xóm 5, xã Kim Trung đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để gia cố ao đầm, mua máy phát điện... đề phòng bão, lũ xảy ra. Ông Sơn cho biết: Hệ thống máy sục khí trong đầm nuôi tôm của gia đình có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong trường hợp xảy ra bão lũ, khả năng cao sẽ xảy ra mất điện, nếu như vậy hệ thống trên không hoạt động được, sẽ gây tổn thất nặng về năng suất, sản lượng thủy sản. Bởi vậy, tôi quyết định đầu tư mua máy phát điện.
Ông cũng cho biết thêm, ông thường xuyên theo dõi đài, báo, xem tivi nhằm cập nhật thông tin về bão lũ để có sự chuẩn bị phòng tránh kịp thời.
Thái Học