Toàn vùng có 2.064 ha được đưa vào nuôi trồng thủy sản, trong đó: vùng trong đê Bình Minh 2 (BM 2) có 1.062 ha (xã Kim Đông 373 ha, Kim Hải 289 ha, Kim Trung 277 ha, đơn vị quân đội 123 ha); vùng ngoài đê BM 2 có 1.002 ha. Tổng sản lượng thủy sản toàn vùng đạt 2.900 tấn, trong đó: tôm sú 1.050 tấn, tôm rảo 280 tấn, cua biển 1.000 tấn, hải sản khác 570 tấn (có 120 tấn ngao thu tại Cồn Nổi). Ước tính giá trị thủy sản toàn vùng bãi bồi đạt 199,5 tỷ đồng. Đặc biệt, ngoài 2 loại thủy sản (tôm sú, cua biển) đã được nuôi trong nhiều năm qua đạt sản lượng cao, năm 2007 còn có thêm các loại thủy sản khác như: ngao (120 tấn), cá vược, cá mú, rau câu... được đưa vào nuôi trồng bước đầu cho hiệu quả, mở ra triển vọng về hướng nuôi trồng thủy sản trong vùng.
Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập trước mắt cũng như lâu dài: cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản đầu tư còn chậm, chưa đồng bộ; các trại giống hoạt động kém hiệu quả; hệ thống thủy lợi, môi trường nước nuôi thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; một số hộ nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, vệ sinh ao đầm, chọn giống, thức ăn...
Theo đồng chí Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện, để đảm bảo cho vùng kinh tế này phát triển đúng hướng nhằm khai thác và sử dụng hợp lý tiềm năng vùng bãi bồi ven biển, huyện Kim Sơn đã xây dựng kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2008 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng là 2.064 ha, trong đó: vùng trong đê BM 2 có 1.062 ha, vùng ngoài đê BM 2 có 1.002 ha. Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 2.980 tấn, trong đó có 1.000 tấn tôm sú, 1.050 tấn cua biển, 280 tấn tôm rảo, 650 tấn hải sản khác (có 200 tấn ngao thu tại Cồn Nổi). Tổng giá trị thủy sản thu phấn đấu đạt 250 tỷ đồng.
Có 2 vụ nuôi thả thủy sản chính: vụ 1, đối tượng nuôi là tôm sú, bắt đầu từ ngày 26/2/2008: thực hiện tu sửa, cải tạo, vệ sinh ao đầm; rút cạn nước trong ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng với lượng từ 400 - 700 kg/ha tùy vào độ PH ở đó. Lấy nước vào thau rửa ao đầm, kênh mương dựa vào thủy triều hàng ngày. Lọc nước vào ao và tiến hành gây màu nước tạo nguồn thức ăn cho tôm. Thả giống từ ngày 21/3, thực hiện ương tôm giống trên ao nhỏ, nổi, đáy đất trong khoảng thời gian 10 - 20 ngày. Thả tôm ra ao to nuôi thương phẩm khoảng từ ngày 1/4 và kết thúc thu hoạch trong tháng 8.
Vụ 2, đối tượng nuôi chủ yếu là cua biển, ngoài ra còn có thể nuôi cá vược, cá rô phi, cá bớp, rau câu... Từ ngày 5-12/8 thực hiện cải tạo ao, vệ sinh ao đầm, lấy nước và gây màu nước. Trung tuần tháng 8 tiến hành ương giống (thời gian 15-20 ngày) và thả ra ao nuôi thương phẩm vào đầu tháng 9; kết thúc vụ nuôi trước ngày 20/2 năm sau.
Hiện tại, hầu hết các ao đầm trong vùng nuôi đã được cải tạo, xử lý, vệ sinh môi trường. Giống tôm sú cũng đã được các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển về (giống chủ yếu nhập từ các tỉnh phía Nam) và đang trong giai đoạn ương. Đã có khoảng 40 triệu con tôm giống được nhập về đáp ứng gần 40% lượng giống cần trong vùng. Vùng bãi bồi ven biển đang tích cực chuẩn bị cho vụ nuôi trồng thủy sản mới với nhiều quyết tâm và hy vọng.
Đinh Chúc