Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nguồn nhân lực của Kim Sơn còn hạn chế về trình độ kỹ thuật và quản lý, tỷ lệ lao động thiếu việc làm chiếm khảng 20% trong tổng số lao động, 40% lao động nông nhàn chỉ có việc làm khoảng 60 ngày/năm. Qua khảo sát cho thấy, số học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 học sinh, trong đó chỉ có khoảng 2.000 em tiếp tục thi đỗ vào các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, còn lại trực tiếp tham gia lao động tại địa phương sau khi nghỉ học. Bên cạnh đó, số học học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm không tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, không tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự còn lại khoảng 1.000 người. Với tình hình đó, hàng năm Kim Sơn có khoảng 2.000 người có nhu cầu được đào tạo nghề ở trình độ trung cấp hoặc sơ cấp để bổ sung vào lực lượng lao động.
Để đào tạo nghề cho lao động địa phương, Kim Sơn có 27 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng cói xuất khẩu tham gia đào tạo nghề và góp phần giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động làm việc thường xuyên và gần 30.000 lao động nông nhàn tại các khu dân cư. Những doanh nghiệp này phần lớn đào tạo nghề theo hình thức vừa học, vừa làm nên khá thuận lợi cho người lao động trong quá trình học nghề, tìm kiếm việc làm.
Năm 2008, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Việc làm huyện Kim Sơn đã dạy nghề đan cói, đan bèo bồng, thêu ren, may công nghiệp, hàn dân dụng, Tin học cho hơn 1.000 lao động. Năm 2009 đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó có 200 lao động nghề may công nghiệp, 35 lao động nghề hàn và khoảng 700 lao động nghề đan cói truyền thống, năm 2010 đã có hơn 1.000 lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang phát triển nhanh và đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của huyện đạt trên 10%, thu nhập bình quân đầu người luôn tăng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 8,7%. Kim Sơn cũng là địa phương được tỉnh đặt trong mục tiêu quy hoạch phát triển lên thị xã trước năm 2020. Các cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của huyện đang được hình thành và phát triển, tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh đòi hỏi nguồn nhân lực phải được nâng cao về trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ để có được đội ngũ thợ lành nghề phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH, góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tại Đại hội Đảng bộ huyện Kim Sơn lần thứ XXI đã xác định phải tập trung đẩy mạnh công tác dạy nghề để phát triển nguồn nhân lực, tạo đà thuận lợi cho quá trình giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động thuộc diện thu hồi đất do quá trình đô thị hóa và xây dựng các công trình phục vụ phát triển KT-XH...
Để thực hiện hiệu quả chủ trương trên, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, có cơ chế, chính sách phù hợp, ưu đãi các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề học nghề và tìm việc làm... Kim Sơn đã xây dựng đề án nâng cấp Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm thành trường trung cấp nghề nhằm mục đích góp phần khắc phục dần những hạn chế trong công tác đào tạo nghề hiện nay, từng bước tạo được nguồn lực lao động có chất lượng cao, có trình độ chuyên môn phù hợp đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển của huyện.
Lý Nhân